Hiệu Quả Kinh Tế Từ Các Mô Hình Trang Trại Ở Đoan Hùng

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2009, Hội Trang trại huyện Đoan Hùng được thành lập với 53 hội viên phát triển theo mô hình kinh tế đồi rừng tổng hợp (VACR). Sau 5 năm hoạt động, các trang trại đã từng bước mở rộng quy mô, chuyển đổi diện tích, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất, tập trung khai thác tiềm năng đất đai, đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn các giống cây con có năng suất cao vào sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động trong gia đình và lao động tại địa phương… nên hầu hết các trang trại đều cho hiệu quả kinh tế khá, góp phần giúp các hội viên thoát nghèo, nhiều hộ đã trở nên giàu có.
Thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Phán ở thôn 9 xã Quế Lâm, trên diện tích 4 ha đồi rừng, ông quy hoạch thành các khu: Khu trồng rừng, khu đào ao thả cá, khu chăn nuôi…
Với kinh nghiệm lâu năm của mình, ông Phán đầu tư nuôi trăn, rắn, trong chuồng rắn rộng khoảng 50m2 lúc nào cũng có trên trăm cặp rắn bố mẹ. Được chăm sóc chu đáo nên rắn của gia đình ông lớn nhanh, đẻ khỏe, ít dịch bệnh. Mỗi năm, ông Phán thu về ngót trăm triệu đồng từ bán rắn thịt và rắn giống.
Cùng với nuôi rắn, nghề nuôi trăn cũng được ông duy trì nhiều năm. Nuôi trăn vừa bỏ ra ít vốn, không mất diện tích canh tác lại dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Từ vài cặp trăn bố mẹ, mỗi năm bán trăn giống, ông cũng thu thêm vài chục triệu đồng. Theo ông Phán nuôi trăn chỉ cần lưu ý đến khâu phòng bệnh.
Bên cạnh việc nuôi trăn, rắn, qua sách báo và thực tế, thấy được lợi ích của việc nuôi thủy sản, ông Phán tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng để thiết kế lại toàn bộ hệ thống ao thả cá: Nơi ương cá giống, nơi nuôi cá thịt.
Được sự giúp đỡ của Trường trung học Nông nghiệp Thái Bình về kỹ thuật nuôi cá, ông tập trung vào nuôi cá vược nước ngọt trên diện tích 2000m2 ao giống do nhà trường cung cấp, hình thức là nuôi xen ghép với các giống cá truyền thống như trôi, trắm, mè, chép để tận dụng nguồn thức ăn.
Sau khi trừ chi phí ông thu về được trên 100 triệu đồng tiền lãi từ nuôi cá. Như vậy mỗi năm, gia đình ông Phán có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá thịt, cá giống của chị Đỗ Thị Thúy ở thôn 8 xã Minh Lương, cũng là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Với diện tích gần 2 ha mặt nước, chị Thúy đã khoanh vùng để chia ra các lô nuôi cá, chủ yếu là ương cá giống. Chị Thúy cũng đã về tận Thái Bình để mua cá bột về ương thành cá giống rồi xuất bán cho các hộ chăn nuôi cá khác.
Nhờ làm tốt kỹ thuật ương cá giống mà cá của chị Thúy đảm bảo chất lượng, được mọi người tín nhiệm. Mỗi năm bán cá giống, chị cũng thu về vài trăm triệu đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay, trừ chi phí, chị đã thu về 250 triệu đồng.
Một mô hình trang trại khác mà chúng tôi đến thăm là mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp nuôi lợn của anh Lê Văn Họa ở thôn 2 xã Minh Lương.
Trên diện tích 7 ha, anh dành 3,5 ha để trồng rừng, 2,5 ha để đắp đập nuôi cá và diện tích còn lại để làm vườn, trồng cây ăn quả và nuôi lợn. Trong chuồng lúc nào cũng có trên trăm con lợn bột, hơn chục đàn lợn nái được nuôi theo chu trình khép kín. Toàn bộ số lợn con do lợn nái đẻ ra, gia đình anh để lại nuôi lợn bột, cứ đều đặn 3 tháng lại xuất chuồng một đợt.
Giữa lúc chúng tôi đến thăm thì có khách đến mua lợn thịt, anh Họa xuất liền 10 con lợn bột được gần 1,5 tấn và thu về 60 triệu đồng. Tổng cộng mỗi năm, gia đình anh Họa thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn chưa kể nguồn thu từ cá và khai thác cây rừng.
Tin tưởng rằng trong những năm tới, Hội Trang trại của Đoan Hùng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương để hội viện vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung của huyện Đoan Hùng.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, cần cù chịu khó, bám đất bám vườn để làm ăn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì từ năm 2010, đơn vị đã thực hiện một số mô hình trình diễn trồng cây mắc ca để khảo nghiệm loại cây trồng mới được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).