Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Kinh Tế Cao Từ Thâm Canh Đậu Tương

Hiệu Quả Kinh Tế Cao Từ Thâm Canh Đậu Tương
Ngày đăng: 09/09/2012

Hiện nay, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đang tích cực trồng xen, thâm canh 2 vụ đậu tương/năm tại diện tích đất trống của nương ngô, bờ ruộng, đồi chè và mắc ca chưa phát tán nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập gia đình. 
Bội thu đậu tương xuân hè

Ngay từ đầu vụ xuân hè năm nay, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con xen canh đậu tương trên diện tích đất trống của nương ngô, lúa, chè. 
Nhờ đó, đến nay toàn huyện có hơn 120 ha đậu tương (tăng 40 ha so với cùng kỳ năm trước). Một số hộ dân đã thu hoạch hơn 20% diện tích, năng suất bình quân đạt 14 tạ/ha (tăng 3 tạ/ha so với vụ xuân hè năm trước). Cây đậu tương đã phát huy được ưu thế trên vùng đất này, từ sản phẩm đậu tương, nhiều hộ dân đang từng bước nâng cao đời sống. Hiện nay, giá đậu tương trên thị trường ổn định từ 35 – 38.000 đồng/kg. Vì vậy, việc xen canh 1ha đậu tương, bà con sẽ thu nhập thêm 50 triệu đồng. 
Được biết, xã Bản Bo trồng 100ha đậu tương xuân hè, trong đó có tới 60 ha đậu tương xen chè. Chị Má Thị Sua ở bản Cốc Phát (xã Bản Bo) tâm sự: “Trước đây, tôi chưa biết cách xen canh đậu tương trên diện tích ngô, lúa, chè nên đất thường để trống hoặc bỏ hoang. Vụ xuân hè năm nay, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đã đến tận nương hướng dẫn tôi xen canh hơn 1ha đậu tương trên diện tích chè mới trồng. Lần đầu tiên trồng đậu tương xen chè nên tôi cũng lo sợ hiệu quả kinh tế thấp, tốn công chăm sóc. Thế rồi, những suy nghĩ của tôi nguôi đi khi cây đậu tương ra quả ngày càng nhiều. Giờ đây, tôi đã thu hoạch 1,5 tấn hạt đậu tương, bán được hơn 50 triệu đồng (cao gấp 3 lần so với trồng ngô)”.

Hiện nay, bà con trong xã đang thu hoạch đậu tương xuân hè với năng suất đạt từ 13 - 15 tạ/ha. Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng bộ xã Bản Bo thì những năm trước đây, bà con trong xã đã áp dụng những tiến bộ KHKT vào việc thâm canh, tăng vụ đậu tương trên diện tích nương 1 vụ ngô. Nhưng năm nay, thêm một điểm mới nữa là bà con đã tận dụng diện tích đất chè chưa phát tán xen canh đậu tương cho năng xuất cao góp phần tăng thu nhập gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Ngoài ra, đậu tương còn là loại cây có tác dụng cải tạo đất, chịu hạn tốt... 
Mở rộng diện tích đậu tương thu đông

Theo kế hoạch, vụ thu đông năm nay, toàn huyện sẽ trồng 612 ha đậu tương. Để đảm bảo đúng khung thời vụ và kế hoạch đề ra, từ đầu tháng 8 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật xuống các xã, thị trấn vận động bà con đăng ký giống, mở rộng diện tích trồng đậu tương thu đông. Đồng thời, chỉ đạo bà con xen canh đậu tương trên diện tích ngô xuân hè đã vàng bẹ nhằm đảm bảo đúng khung thời vụ (khi thu hoạch xong ngô xuân hè, đậu tương thu đông đã phát triển được từ 7 - 10 lá). 
Trước khi xuống giống, cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, bón lót (đạm, lân). Đây là khâu quan trọng giúp đậu tương sau khi nẩy mầm có đủ chất dinh dưỡng sinh trưởng, phát triển tốt. 
Đến nay, nông dân trong huyện đã hoàn thành việc xuống giống 612 ha đậu tương thu đông (đạt 100% so với kế hoạch). Việc xuống giống đậu tương thu đông của huyện năm nay đúng khung thời vụ chứng tỏ nhận thức của bà con đã được nâng lên. Nhiều xã làm tốt việc mở rộng diện tích trồng đậu tương thu đông như: Nà Tăm, Khu Há, Hồ Thầu, Sơn Bình… 
Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Bộ phận nông nghiệp (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện) cho biết:“Cây đậu tương trên đất Tam Đường rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thể hiện rõ ưu thế như: chi phí đầu tư thấp, trồng quanh năm, ít tốn công lao động và giá sản phẩm ổn định. Bà con tham gia trồng đậu tương được nhà nước hỗ trợ 30% diện tích giống đậu tương DT8”. 
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con xen canh đậu tương trên diện tích chè, mắc ca mới trồng (chưa phát tán) tại các xã: Bản Bo, Nà Tăm… nhằm tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2020, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đạt 1.430 ha Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp năm 2020, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đạt 1.430 ha

Theo Đề án, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đến năm 2020 đạt 1.430 ha chủ yếu ở các địa phương như sau: Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân.

07/08/2015
Có thể khắc phục hiện tượng nghêu chết? Có thể khắc phục hiện tượng nghêu chết?

Từ tháng 3-2015 đến nay, hiện tượng nghêu chết hàng loạt trên diện rộng và kéo dài ở các hợp tác xã (HTX) thủy sản ven biển Bến Tre đã làm giảm thu nhập của người dân. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như nắng nóng kéo dài, độ mặn trong nước biển tăng cao và bị nhiễm bẩn. Cơ quan Thú y Vùng VI đã phát hiện vi khuẩn trên các mẫu thử gửi của khu vực biển Bình Đại. Đến nay, mọi công tác khắc phục chỉ có thể ở mức tương đối…

07/08/2015
Châu Thành (Tây Ninh) trồng cây trôm cho thu nhập khá Châu Thành (Tây Ninh) trồng cây trôm cho thu nhập khá

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà gia đình ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1965, ngụ tổ 2, ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm từ cây trôm.

07/08/2015
Nấm rơm tăng giá Nấm rơm tăng giá

Thời điểm hiện tại, nấm rơm được thương lái thu mua tại ruộng với mức giá từ 43.000 – 45.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.

07/08/2015
Triển vọng cây ớt hàng hóa tại Sa Pa (Lào Cai) Triển vọng cây ớt hàng hóa tại Sa Pa (Lào Cai)

Được đánh giá là không thua kém về mẫu mã, chất lượng so với vùng có sản phẩm nổi tiếng như Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai), cây ớt hàng hóa tại Sa Pa đang được coi là hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao.

07/08/2015