Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Của Giải Pháp Nuôi Luân Canh Tôm Chân Trắng, Cá Rô Phi Ở Phú Yên

Hiệu Quả Của Giải Pháp Nuôi Luân Canh Tôm Chân Trắng, Cá Rô Phi Ở Phú Yên
Ngày đăng: 10/04/2013

Từ năm 2001 đến nay, do dịch bệnh, thua lỗ, diện tích nuôi tôm ngày càng giảm, tốc độ giảm bình quân 2,91%/năm. Năm 2012, diện tích nuôi tôm giảm, chỉ còn 2.112 ha, giảm 15,5% so năm 2011, nhưng diện tích tôm bệnh lại tăng, lên đến 870,1 ha, gấp 2 lần so năm 2011 (năm 2011 diện tích tôm bệnh: 434,5 ha).

Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên triển khai nhiều chương trình giúp người dân khắc phục khó khăn, dịch bệnh để sớm phục hồi, phát triển nghề nuôi tôm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó sáng kiến tổ chức nuôi luân canh tôm chân trắng, cá rô phi ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa đã đạt hiệu quả cao, ổn định.

Diện tích thực hiện mô hình là 5.600 m2, gồm: 1 ao nhỏ 600 m2 nuôi quảng canh cá rô phi, 1 ao lớn 5.000 m2 nuôi bán thâm canh tôm chân trắng. Thời gian thực hiện trong 02 năm, từ năm 2012 đến năm 2013.

1. Ở vụ 2 năm 2012, mô hình nuôi quảng canh cải tiến cá rô phi ở ao lớn. Sau khi thu hoạch xong tôm nuôi vụ 1, chủ hộ phơi khô ao 7 ngày, tiến hành cải tạo ao đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như nuôi tôm, gây màu nước bằng phân hữu cơ sinh học BIO COMPOST, liều lượng 5 kg/1.000 m3, 1 – 2 ngày sau, nước có màu xanh đọt chuối non, bắt đầu xuống giống. Ngày 28/02/2012, chọn giống cá rô phi lớn ở ao nhỏ thả xuống ao lớn nuôi vụ 2 (cỡ giống có chiều dài thân lớn hơn 5 cm). Vì nuôi cá rô phi chủ yếu để làm sạch môi trường nên trong vụ chỉ cho cá ăn 1 ngày 1 lần vào buổi sáng, liều lượng: 2 – 5% trọng lượng thân, thời gian còn lại cá vẫn phát triển bình thường do ăn thêm lượng thức ăn tự nhiên có trong ao. Trong quá trình nuôi nhận thấy cá khỏe mạnh, phát triển tốt, không bị bệnh, từ tháng nuôi thứ năm bắt đầu thu tỉa những con có trọng lượng lớn hơn 500 gam/con. Mô hình thu hoạch toàn bộ vào ngày 30/8/2012, sản lượng đạt 4,5 tấn, cỡ cá ≥ 500 gam/con, giá bán: 50.000 đồng/kg, lãi 30 triệu đồng.

* Nhận xét:

- Trong quá trình nuôi và theo các tài liệu khoa học chúng tôi nhận thấy: Cá Rô phi dễ nuôi, có sức đề kháng cao, môi trường sống: Rộng muối (cá sống ở các vùng nước ngọt; lợ; nước biển có độ mặn lên đến 32 phần ngàn, độ mặn tối ưu < 5 phần ngàn), rộng nhiệt (cá sống, phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ > 12 - 35 độ C, tối ưu ở 25 - 35 độ C), phù hợp điều kiện môi trường, thời tiết, khí hậu ở Phú Yên nên đã sinh trưởng, phát triển tốt trong quá trình nuôi.

- Cá rô phi có tập tính ăn tạp, ăn rong tảo, thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, ấu trùng các loại côn trùng, vỏ tôm, xác tảo, phân tôm, những con tôm bệnh chết hay gần chết nằm trong ao… nên có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế sự phát triển của các virus, vi khuẩn gây bệnh tôm làm môi trường trong sạch, giúp vụ sau tôm nuôi dễ hơn.

2. Vụ 1 năm 2013, mô hình nuôi bán thâm canh tôm chân trắng ở ao lớn

Để phát triển bền vững, mô hình nuôi tôm theo quy trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh đạt kết quả cao, ổn định. Kết quả cụ thể như sau:

- Đối tượng nuôi: Nuôi đơn tôm chân trắng.

- Ngày xuống giống: 25/11/2012.

- Số lượng giống thả: 1,1 triệu con.

- Ngày thu hoạch: 05/02/2013.

- Sản lượng: 9,6 tấn.

- Cỡ tôm thu hoạch: 112 con/kg.

- Giá bán: 86.000 đồng/kg.

- Doanh thu: 825.600.000 đồng.

- Tỷ lệ sống: 97,74%.

- Hệ số chuyển đổi thức ăn: 1,1.

- Hiệu quả: Lãi 300 triệu đồng.

* Nhận xét: Cá rô phi có tập tính ăn tạp, nó ăn cả những con tôm chết hoặc bị bệnh sắp chết, vật chủ trung gian mang mầm bệnh… (virus, vi khuẩn gây bệnh cho đối tượng này nhưng không gây bệnh cho đối tượng khác, ví dụ: Virus WSSV gây bệnh đốm trắng cho tôm nhưng không gây bệnh cho cá) làm môi trường vùng nuôi trong sạch giúp vụ này tôm đã nuôi dễ hơn, hiệu quả.

* Đề xuất:

- Qua các năm thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm” chúng tôi nhận thấy: Luân canh, xen canh cá rô phi ở các vùng nuôi tôm là phương thức nuôi có tác dụng cân bằng môi trường sinh thái, bà con nên xem xét, áp dụng để từng bước phục hồi, phát triển nghề nuôi tôm.

- Vì thời gian nuôi cá rô phi rất dài (6 tháng/vụ), trong lúc đó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tháng đầu năm nắng cháy, khô hạn nhưng các tháng cuối năm, từ tháng 9, 10 trở đi mức nước hạ lưu các nhánh sông bắt đầu dâng cao, thay đổi nhanh, thất thường… Đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên ngành quan tâm, thông tin kịp thời dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn để người dân có kế hoạch chuyển cá rô phi vào nuôi lồng, tránh thất thoát cá, thiệt hại nặng do mưa lụt, thủy điện xã lũ gây ra …

- Các cấp, các ngành quan tâm có chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ các đối tượng nuôi luân canh như: Cá rô phi, tôm đất (rảo)…, ổn định giá cả thị trường thì mới giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất các mặt hàng này.

- Cá rô phi có tác dụng làm môi trường trong sạch, duy trì tính ổn định của hệ sinh thái ao nuôi nhưng trong một chừng mực nhất định, vì vậy các vùng nuôi, các thủy vực nuôi thủy sản biển, bà con nuôi tôm nên tổ chức thực hiện nghiêm quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, quản lý lẫn nhau, cùng nhau gìn giữ môi trường thì mới ngăn chặn được dịch bệnh, phát triển bền vững nghề nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Người Dân Mong Chờ Điều Gì? 3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Người Dân Mong Chờ Điều Gì?

Theo dự kiến, một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội là vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) sau gần 3 năm triển khai thực hiện.

12/06/2013
Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa

Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.

12/06/2013
Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối

Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.

12/06/2013
Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh) Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh)

Có dịp được tận mắt nhìn thấy những ao, đầm nuôi sò huyết của người dân ở vùng Tân Biên, Kiên Giang cho lợi nhuận rất cao, năm 2010 anh Võ Văn Sóng, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành (Trà Vinh) quyết định nuôi thử nghiệm con sò huyết trong ao đất. Kết quả qua 3 vụ nuôi đều thành công, mang về cho gia đình lợi nhuận vài chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

13/06/2013
Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

13/06/2013