Hiệu Quả Cao Từ Vụ Đông Ở Mỹ Đức (Hà Nội)

Nhiều năm trở lại đây, vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, vụ Đông đã và đang giúp người nông dân nơi đây cải thiện đời sống.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Vụ Đông năm 2014, xã Mỹ Thành gieo trồng 234ha cây trồng các loại, trong đó có tới 232ha đậu tương, còn lại là rau màu. Do phù hợp với đồng đất nơi đây nên cây đậu tương cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình gấp 1,5 – 2 lần so với cấy lúa truyền thống. Vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân Mỹ Thành đã đưa diện tích cây đậu tương gieo trồng vụ Đông lên cao.
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Thành Đào Tiến Bình cho biết: "Trồng đậu tương vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí vừa tăng thu nhập. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg đậu giống và 15.000 đồng/kg đậu thương phẩm, trừ các khoản chi phí, trồng đậu tương cho thu lãi từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/sào”.
Tại xã An Mỹ, vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đưa giống bí xanh vào sản xuất. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bí xanh cho năng suất trung bình đạt 6 – 8 tạ/sào, với giá bán đầu vụ từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, cuối vụ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào.
Là một trong những huyện nằm trong nhóm dẫn đầu toàn TP về sản xuất vụ Đông, Mỹ Đức luôn duy trì và nhân rộng diện tích cây trồng, đặc biệt là cây đậu tương. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn do thời tiết mưa nhiều vào đầu vụ làm ảnh hưởng đến tiến độ và một số diện tích đậu tương mới gieo trồng. Song, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nông dân tập trung cày dõng để tiêu thoát nước. Đến nay, diện tích đậu tương đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ quả chắc đạt trên 90%, năng suất dự kiến cao hơn so với vụ Đông năm 2013.
Tăng cường hỗ trợ nông dân
Do đặc thù là huyện có đồng đất trũng nên ngay khi kết thúc vụ mùa, Mỹ Đức đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, khoanh vùng gieo trồng cây vụ Đông an toàn, hiệu quả. Đồng thời, chủ động các biện pháp tiêu úng, chống hạn kịp thời khi mưa lớn, hạn hán xảy ra. Phòng Kinh tế và Trạm bảo vệ thực vật huyện còn cử cán bộ xuống từng xã nắm bắt nhu cầu về giống cây trồng, phân bón các loại để kịp thời cung ứng cho nông dân.
Bên cạnh sự hỗ trợ đặc thù của TP đối với cây đậu tương trên đất 2 lúa là hỗ trợ 50% chi phí giống cho các địa phương gieo trồng gọn vùng với diện tích 5ha trở lên, huyện chủ động các biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể là kịp thời bơm tưới, tiêu úng cho cây trồng; khuyến cáo nông dân cách chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh...
Bà Lê Thị Kim Thúy – Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, xác định vụ Đông là vụ sản xuất chính, cây đậu tương là cây trồng chủ lực nên vụ Đông năm nay, bên cạnh việc gieo trồng đại trà giống đậu tương ĐT84, huyện quyết tâm tạo đột phá về năng suất, chất lượng bằng phối hợp với các đơn vị ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình điểm sản xuất giống đậu tương ĐT26.
Trong đó, có 5ha với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ T.Ư; 20ha với Trung tâm Khuyến nông và 4,5ha với Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội. Huyện cũng được các đơn vị này hỗ trợ 100% chi phí giống, 30% chi phí vật tư, phân bón nên nông dân rất phấn khởi và hăng hái tham gia.
Qua đánh giá, so sánh thực tế, giống đậu tương ĐT26 cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn so với ĐT84. Do đó, thời gian tới, huyện Mỹ Đức mong muốn tiếp tục được TP quan tâm đầu tư trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vụ Đông nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho nông sản. Từ đó, tạo động lực cho huyện xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung.
Vụ Đông năm 2014, huyện Mỹ Đức gieo trồng 4.662ha cây trồng các loại, trong đó đậu tương 4.102ha (chiếm 88% diện tích), ngô 180ha, khoai lang 90ha, khoai tây 32ha, rau đậu các loại 284ha. Nhiều xã gieo trồng với diện tích lớn đạt và vượt kế hoạch như Mỹ Thành, An Mỹ, Tuy Lai, Thượng Lâm... Đặc biệt, một số xã đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất như khoai tây Đức, Hà Lan, ngô HN88.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.097 héc- ta (tăng 7,2% so cùng kỳ); thu hoạch 163.898 tấn (tăng 5,2% so cùng kỳ).

Hồ thủy điện Hòa Bình (hồ sông Đà) địa phận tỉnh ta có diện tích mặt nước 8.900 ha thuộc 19 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nghề cá. Tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai những giải pháp cụ thể, tạo “cú huých” khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng hồ phát triển nghề cá theo hướng sản xuất hàng hóa.

Những năm gần đây, người dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) đã biết tận dụng mặt nước của sông Kiến Giang chảy qua địa phương để phát triển nghề nuôi cá lồng. Nghề nuôi cá lồng tuy mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống...

Ngày 25-6, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc, Công ty KBOR (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức Hội thảo báo cáo sơ bộ việc nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao tại TP Cần Thơ, đồng thời thảo luận về giải pháp xúc tiến canh tác và kinh doanh thương phẩm cá rô phi tại ĐBSCL.

Hòn Tre là một trong những hòn đảo nổi tiếng về đánh bắt và nuôi trồng hải sản thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.