Hiệu Quả Cao Từ Nuôi Tôm Dưới Tán Rừng Đước

Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, một trong những chủ trương được tỉnh Cà Mau ưu tiên thực hiện thời gian qua.
Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có trên 114.164 ha đất lâm nghiệp, diện tích có rừng là 102.741 ha, trong đó, diện tích rừng ngập mặn trên 72.887 ha.
Chị Phạm Ngọc Ánh, ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, cho biết: “Trước đây chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi tôm dưới tán rừng, ít chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng nên tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chết. Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng, tôm nuôi cho thu hoạch cao”.
Chị Ánh chia sẻ kinh nghiệm: “Việc cải tạo đầm phải tuân thủ đúng quy trình và lịch thời vụ. Ðồng thời, đối với rừng, cần chặt tỉa dọn dẹp vệ sinh, giảm bớt độ che phủ để có ánh nắng tạo ô-xy cho tôm phát triển. Chọn con giống có nguồn gốc, trước khi thả nên xét nghiệm để bảo đảm cho vụ nuôi đạt hiệu quả.
Trong quá trình nuôi nên thường xuyên kiểm tra sự phát triển của con tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời theo dõi độ pH, độ mặn trong vuông tôm để có cách xử lý phù hợp cho tôm phát triển nhanh”.
Chị Ánh nhận định, tôm nuôi dưới tán rừng không chỉ ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, mà còn rất ổn định và cho thu nhập cao, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều năm liền mô hình này mang lại lợi nhuận cho gia đình chị gần 200 triệu đồng/năm.
Cũng như chị Ánh, ông Võ Văn Ðấu, ấp Gò Công Ðông, xã Nguyễn Việt Khái, nhờ tích cực trồng rừng trước rồi mới tính chuyện nuôi tôm, nên con tôm sống dưới tán rừng ít dịch bệnh, nhiều năm nuôi chưa bao giờ thất bại.
Ông Ðấu cho biết: “Sau nhiều năm trồng, chăm sóc và bảo vệ, khi rừng đước ngày một phát triển, tán rừng ngày một dày, lợi nhuận từ con tôm, con cua, con cá ngày cũng một tăng theo. Trung bình mỗi năm tôi thu lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng”.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh Cà Mau Nguyễn Như Ðộ phấn khởi cho hay: “Trước đây nông dân thường xuyên chặt phá rừng để nuôi tôm, giờ bà con nhận thấy lợi ích của rừng nên quay lại trồng rừng. Từ đó, diện tích và số hộ dân tự bỏ tiền ban bờ, liếp để trồng thêm rừng ngày một tăng. Ðến nay độ che phủ rừng đạt trên 31%”.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề "nóng" hiện nay là nhiều hộ nông dân vì lợi ích trước mắt đã và đang bỏ tôm sú chuyển sang thả nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc thả nuôi cùng lúc cả hai đối tượng. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến thuỷ sản Cà Mau, cho biết: “Hiện tôm sú vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhưng do chạy theo phong trào và lợi ích trước mắt, nhiều hộ đã quay lưng với tôm sú, ồ ạt chuyển sang thả nuôi thẻ chân trắng.
Nhiều chuyên gia trong ngành thuỷ sản khuyến cáo, nếu chính quyền và nông dân không bình tĩnh, cân nhắc kỹ thì sẽ phải trả giá đắt khi thị trường xuất khẩu không còn "mặn mà" với con tôm thẻ chân trắng. Còn tôm sú có thị trường khá ổn định, nhất là nhiều nước đã quen thuộc với sản phẩm tôm sú”.
Tình hình dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát, tôm nuôi thường xuyên chết kéo dài ở nhiều nơi. Do đó, mô hình tôm - rừng, tôm sinh thái là điểm sáng, là hướng đi cho người dân, có không ít hộ khẳng định bằng tính hiệu quả và bền vững. Mô hình này cần được các nhà khoa học, nhà quản lý chuyên ngành lưu tâm để tìm giải pháp khắc phục cũng như nhân rộng trong dân trước tác hại tiêu cực của biến đổi khí hậu trong thời gian qua và những năm tiếp theo./.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Sử cho biết, để bảo vệ rừng ngập mặn, tỉnh đã tận dụng nhiều nguồn vốn và sự tài trợ phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, khoán đất rừng cho các hộ gia đình trồng mới, kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích chứng nhận tôm sinh thái đạt 20.000 ha vào năm 2020, nhằm đạt mục tiêu xây dựng một vùng sản xuất tôm sạch được chứng nhận với giá trị cao. Đồng thời, vừa nâng cao đời sống người dân, vừa bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như triều cường, nước biển dâng.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, thành phố Cà Mau đề ra kế hoạch mở rộng nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích 1.100 ha; hiện nay, đã phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp được trên 812 ha, đạt 73% kế hoạch.

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thành công với mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, điển hình là mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã An Bình và xã Nhị Mỹ.

Gần một tháng nay, hàng chục hộ nuôi cá lóc đầu vuông trong vèo ở xã Phước Chỉ (Trảng Bàng - Tây Ninh) lao đao vì cá bị ghẻ lở mà chưa rõ nguyên nhân.

Ông Trần Phượng ở xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đến với nghề nuôi ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó. Nhưng cái duyên đó bắt đầu từ việc làm quen, nuôi nhỏ lẻ 1-2 đàn đến ham thích nghề nuôi ong và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm qua thực tế công việc, đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước làm người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện dịch nhưng những tiểu thương buôn bán mặt hàng này ở các chợ cũng đang thấp thỏm lo lắng khi sức tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh.