Hiệu Quả Cao Từ Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học

Hộ anh Đỗ Trường Sơn, ngụ tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi heo. Gia đình anh Sơn có nhà máy xay xát và kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, anh là giáo viên, vợ anh hằng ngày tất bật với công việc hàng xáo nên khó có thể phát huy lợi thế này. Vì vậy, anh Sơn luôn trăn trở, tìm tòi lời giải bài toán: Làm thế nào vừa có thể chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, trong hoàn cảnh ít nhân lực như gia đình anh?
Nhanh nhạy với các tiến bộ kỹ thuật, anh Sơn tìm hiểu và chọn mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học từ cải tạo chuồng nuôi heo sẵn có. Anh Sơn chia sẻ: Nguyên liệu làm chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương. Ô chuồng 20m2 cần 50 bao trấu và 30 bao mùn cưa, khoảng 2 kg cám và 2 kg men sinh học (chế phẩm Balasa No01). Với lượng nguyên liệu này tạo ra được lớp đệm lót dày 60cm… Để bảo đảm phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, mật độ thả heo 10 - 20 con/ô chuồng 20m2, tùy theo heo lớn hay nhỏ. Ngoài ra, cần tạo cho heo thói quen thải phân, nước tiểu đều khắp ô chuồng; không để chuồng bị hắt mưa hay nước từ vòi uống chảy xuống làm ướt đệm lót... để kéo dài thời gian sử dụng đệm lót.
Đệm lót sinh học được làm và vận hành đúng cách sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm công vệ sinh chuồng trại hằng ngày; giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo. Heo không bị thối bàn chân hoặc què chân, lông da bóng mượt và sạch. Đặc biệt, nuôi heo theo mô hình này hạn chết được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi…). Thực tế từ mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của anh Sơn, cho thấy: Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 70-75 ngàn đồng/m2 đệm, thời gian sử dụng được vài năm nhưng giảm được 60% công lao động ở khâu dọn phân, tắm heo và rửa chuồng; giảm bệnh tật cho heo…Với 2 đợt nuôi heo thịt đầu tiên, từ mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, anh Sơn tăng thêm lợi nhuận trên dưới 20% so với phương pháp nuôi heo truyền thống. Đặc biệt, cách làm và vận hành đệm sinh học không phức tạp, các hộ chăn nuôi ở quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được.
Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách phối hợp với Hội Nông dân và Trạm Thú y huyện tổ chức tham quan – tổ chức hội thảo mô hình đầu tiên nuôi heo trên đệm lót sinh học của gia đình anh Sơn cho gần 40 gia trại, trang trại chăn nuôi heo trên điạ bàn huyện học hỏi kinh nghiệm, để từ đó nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh sự náo nhiệt tại các hộ làm hoa kiểng bán Tết những ngày này tại ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (Chợ Lách - Bến Tre), không khí lao động của nông dân cũng nhộn nhịp không kém. Họ đang bước vào thu hoạch chôm chôm vụ nghịch.

Thời gian qua, tại Long An, trong khi sản xuất lúa và nhiều loại loại cây trồng khác đạt hiệu quả thấp thì cây chanh lại giúp nông dân thu lãi khá cao.

Nhằm giúp nhà vườn trồng thanh long đối phó với bệnh đốm trắng đang hoành hành trên thanh long, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai 7 nghiệm thức phòng trừ tổng hợp bệnh đốm trắng trên 210 trụ thanh long ở huyện Chợ Gạo, đã mang lại những thành công trong việc khống chế dịch bệnh đốm trắng trên thanh long.

Hiện xoài cát Hòa Lộc áp dụng kỹ thuật bao trái cân xô giá đến 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với đợt xoài bán dịp Noel. Với giá này, 1 công xoài chăm sóc tốt cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng. Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có khoảng 1.000ha xoài cát Hòa Lộc, trong đó có khoảng 200ha áp dụng kỹ thuật bao trái, tập trung nhiều ở thị trấn Bảy Ngàn, xã Tân Hòa.

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nên thời điểm này, tại các vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ… ở ngoại thành Hà Nội, người nông dân lại tất bật thu hoạch vụ Tết.