Hiệu Quả Bước Đầu Từ Trồng Cam Xen Vườn Cà Phê Vùng Sương Muối

Mặc dù có hàng trăm hộ dân có diện tích cà phê bị cháy lá do sương muối trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhưng gia đình anh Đỗ Xuân Khởi, Đội I, xã Chiềng Ban (Mai Sơn - Sơn La) vẫn làm ăn phát đạt khi rất nhiều người dân ở các xã trong huyện và các huyện lân cận tìm tới mua cây cam giống do anh lai ghép, chịu được sương muối và cho thu nhập kinh tế cao.
Năm 2010, trong một lần về quê (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), anh Khởi thấy nhiều hộ dân ở đây trồng cây cam Vinh (V1 - chín trong dịp Tết) và (V2 - chín sau Tết) cho thu nhập kinh tế cao, anh liền mua 64 cây cam giống V1 mang lên Sơn La trồng xen 1,8 ha cây cà phê của nhà.
Sau gần 3 năm chăm sóc, những cây cam trong vườn bắt đầu đơm hoa, kết trái. Khi chín, quả to, vỏ vàng, sáng đẹp, múi ngọt, thơm và nhiều nước.
Chỉ sau vài lần vợ chồng anh đem ra chợ bán, các thương lái đã tìm đến tận nhà anh mua với giá 30.000 đồng/kg. Chỉ riêng dịp Tết nguyên đán 2014 vừa qua, nhà anh Khởi đã thu hơn 6 tấn quả và bán được gần 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi ra vườn cà phê đã đốn do ảnh hưởng của sương muối, anh Khởi chỉ vào những cây cam cao khoảng 2m, tán lá xanh tốt và bắt đầu trổ rất nhiều nụ và hoa, chia sẻ: Chi phí cho việc trồng cây cam thấp, cây ít sâu bệnh, chịu được hạn và đặc biệt là chịu được sương muối, khi thu hoạch trừ hết chi phí thu lãi khoảng 60%.
Dự kiến trong năm 2014, gia đình anh tiếp tục trồng 100 cây cam V1, 200 cây cam V2 và 100 cây cam đường. Hiện tại, anh Khởi đang đưa giống bưởi Diễn và bưởi da xanh vào trồng thử nghiệm ở vườn nhà và ươm ghép cây cam giống bán cho người dân.
Là địa bàn trồng nhiều cây cà phê nhất huyện Mai Sơn và cũng là địa phương có diện tích cây cà phê phải đốn hạ nhiều nhất với 353 ha, ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: 10 năm trước, trên địa bàn huyện cũng đã bị sương muối làm chết hàng loạt cây cà phê.
Thực tế cho thấy, cà phê bị chết do sương muối chỉ tập trung ở những vùng đất trũng nên hiện nay trên địa bàn xã đã có 45 hộ áp dụng mô hình trồng cây cam xen vườn cây cà phê cho thu nhập “kép” và hiệu quả đã được chứng minh trong đợt sương muối vừa qua, mặc dù cây cà phê bị cháy và phải đốn hạ do sương muối nhưng các hộ trồng cam xen vườn cà phê vẫn có thu nhập.
Sau đợt nắng ấm, những gốc cà phê bị đốn hạ đã bắt đầu nảy mầm xanh. Đây là tin vui đối với nhiều hộ nông dân, tuy nhiên, phải mất khoảng 2 đến 3 năm nữa những vườn cà phê này mới cho thu hoạch trở lại.
Trong khoảng thời gian này, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn do không có thu nhập, bởi vậy các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện xem xét, hỗ trợ các hộ dân hạt giống các loại cây ngắn ngày, như: ngô, lạc, đậu tương để bà con trồng xen gốc cà phê duy trì thu nhập, đảm bảo cuộc sống trong thời gian chờ cây cà phê phục hồi trở lại.
Đồng thời, nghiên cứu, hỗ trợ và nhân rộng mô hình trồng cây cam, bưởi, mận... xen vườn cà phê, giúp người nông dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) với thương hiệu chè sạch truyền thống. Chè sạch Ba Trại đã được chứng nhận thương hiệu cách đây 4 năm nhưng người nông dân nơi đây vẫn đang vất vả tìm đường cho sản phẩm truyền thống của mình, nơi mà một thị trường rộng lớn chỉ cách 60km...

Với việc Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho ngô biến đổi gene, đại diện Hội đồng ATSH cho rằng, chỉ còn một thủ tục là đăng ký giống với Bộ NNPTNT để tiến hành khảo nghiệm kết hợp diện hẹp, diện rộng một vụ nữa là nông dân sẽ được trồng loại cây này.

Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, ông cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng và việc tìm nguyên nhân vì sao trái cây vẫn tươi mới là điều rất khó khăn.

Thông tin Nhà máy Đường Thới Bình thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam (gọi tắt là NMĐ Thới Bình), tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) ngừng thu mua mía trong vụ mùa tới khiến hàng ngàn hộ dân trồng mía ở Cà Mau, Kiên Giang như đang ngồi trên lửa.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay lúa trà sớm đã chín sữa, trà trung trỗ - chín sữa, trà muộn làm đòng - trỗ bông. Bọ rầy đang phát sinh gây hại với mật độ trung bình 200 - 300 con/m2, cao 700 - 1.000 con/m2, ổ cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2.