Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Dưa Chuột Anaxo

Chúng tôi có mặt tại xã Cát Nê (Đại Từ - Thái Nguyên) vào đúng hôm Công ty cổ phần Đồng Xanh (Hưng Yên) đang tổ chức thu mua dưa chuột bao tử cho bà con nông dân nơi đây. Cầm số tiền vừa bán dưa chuột, khuôn mặt ai cũng rạng ngời.
Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Trong khi các cánh đồng trồng cây vụ đông ở địa phương mới bén rễ thì mô hình thí điểm trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu năm nay đã cho sản phẩm. Với năng suất, sản lượng như hiện nay chắc chắn hợp đồng xã đã ký với Công ty cung ứng 100 tấn dưa thành phẩm sẽ hoàn toàn khả thi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ đông năm nay, xã Cát Nê phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xanh triển khai mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu giống Anaxo của Hà Lan với quy mô khoảng 10 ha. Nhưng do là cây trồng mới, lần đầu tiên bén rễ đất Cát Nê nên toàn xã mới có 102 hộ tham gia với diện tích 4ha.
Xác định yếu tố thời vụ quyết định tới thắng lợi đối với cây dưa chuột, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chủ động gieo ươm giống dưa chuột và vào bầu sớm. Đến ngày 9, 10-10, toàn bộ diện tích dưa chuột đã được trồng xong, mật độ trồng từ 750-800 cây/sào. Trước đó, xã liên kết với Công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Là hộ tiên phong đăng ký tham gia trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu, chị Trần Thị Quý, xóm Lò Mật cho biết: “Thời gian đầu, khi đăng ký tham gia trồng dưa, tôi vẫn lo lắng. Nhưng sau khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, tôi đã tự tin làm được ngay.
Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng 3 sào dưa. Khi cây dưa bắt đầu leo, thì cắm giàn nứa, buộc cành để dễ kiểm soát, thuận lợi trong khâu chăm sóc và thu hoạch đỡ bị sót quả. Hiện, dưa đang ra quả rất nhiều và gia đình tập trung thu hoạch lứa đầu, báo hiệu sẽ bội thu”.
Còn anh Trần Văn Ngà, xóm Tân Phú kể đầy thích thú: “Gia đình tôi trồng thử 4 sào dưa, cây phát triển tốt, nhiều quả, ánh dưa ra đến đâu quả ra đến đó, thậm chí hái dưa rồi mà chùm vẫn tiếp tục ra quả. Mỗi nách lá là một chùm quả, trung bình từ 3-4 quả, cao nhất có thể lên tới 8 quả. Giống dưa này lại cho quả ngắn, nhiều gai đến lần thu hoạch cuối cùng, quả màu xanh đậm, sau khi chế biến ăn giòn”.
Theo nhận xét của đa số người dân tham gia mô hình thì cây dưa chuột bao tử là cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất cát pha ở Cát Nê, dễ chăm bón, năng suất cao, trung bình thu được từ 1-1,5 tấn/sào, thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng.
Với giá thu mua của Công ty cổ phần Đồng Xanh theo hợp đồng là loại 1: 7.000 đồng/kg, loại 2: 6.500 đồng/kg; loại 3: 4.000 đồng/kg doanh thu 2,8-3,5 triệu đồng/sào thì nông dân có thể thu 6-7 triệu đồng/sào dưa, sau khi trừ chi phí thu lãi 4-5 triệu đồng/sào, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, cây dưa hay mắc bệnh sương mai, thán thư, lở cổ rễ nên người trồng phải phun phòng thuốc theo định kỳ.
Tâm đắc với mô hình này, đồng chí Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Đây là mô hình mới, rất dễ làm và hiệu quả. Từ thành công này của mô hình, trong vụ đông và xuân năm tới, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng lên khoảng 20 - 30ha trong toàn xã tạo thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy trên 33.000ha lúa mùa, do ảnh hưởng thời tiết vụ mùa thường là vụ sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên cây lúa. Để nắm tình hình sâu bệnh gây hại, chỉ đạo phòng trừ kịp thời, từ ngày 8 đến 11-7, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tổng điều tra đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ mùa trên địa bàn toàn tỉnh.

Với mục tiêu đa dạng hoá các loại cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích, vài năm lại đây, một số hộ dân ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã mạnh dạn đưa cây hồng xiêm vào trồng. Đến thăm mô hình trồng hồng xiêm xen nhãn Miền Thiết của gia đình chị Phạm Thị Chúc, ở thôn Bắc 2, xã Quý Sơn thấy rõ sự năng động và cần cù của người dân nơi đây.

Ngư dân khai thác tôm hùm giống tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, giá tôm hùm giống cuối vụ đạt 200 nghìn đồng/con, tăng 50 nghìn đồng/con so với cùng kỳ năm 2012.

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.