Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Dưa Chuột Anaxo

Chúng tôi có mặt tại xã Cát Nê (Đại Từ - Thái Nguyên) vào đúng hôm Công ty cổ phần Đồng Xanh (Hưng Yên) đang tổ chức thu mua dưa chuột bao tử cho bà con nông dân nơi đây. Cầm số tiền vừa bán dưa chuột, khuôn mặt ai cũng rạng ngời.
Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Trong khi các cánh đồng trồng cây vụ đông ở địa phương mới bén rễ thì mô hình thí điểm trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu năm nay đã cho sản phẩm. Với năng suất, sản lượng như hiện nay chắc chắn hợp đồng xã đã ký với Công ty cung ứng 100 tấn dưa thành phẩm sẽ hoàn toàn khả thi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vụ đông năm nay, xã Cát Nê phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xanh triển khai mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu giống Anaxo của Hà Lan với quy mô khoảng 10 ha. Nhưng do là cây trồng mới, lần đầu tiên bén rễ đất Cát Nê nên toàn xã mới có 102 hộ tham gia với diện tích 4ha.
Xác định yếu tố thời vụ quyết định tới thắng lợi đối với cây dưa chuột, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chủ động gieo ươm giống dưa chuột và vào bầu sớm. Đến ngày 9, 10-10, toàn bộ diện tích dưa chuột đã được trồng xong, mật độ trồng từ 750-800 cây/sào. Trước đó, xã liên kết với Công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Là hộ tiên phong đăng ký tham gia trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu, chị Trần Thị Quý, xóm Lò Mật cho biết: “Thời gian đầu, khi đăng ký tham gia trồng dưa, tôi vẫn lo lắng. Nhưng sau khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, tôi đã tự tin làm được ngay.
Vụ đông năm nay gia đình tôi trồng 3 sào dưa. Khi cây dưa bắt đầu leo, thì cắm giàn nứa, buộc cành để dễ kiểm soát, thuận lợi trong khâu chăm sóc và thu hoạch đỡ bị sót quả. Hiện, dưa đang ra quả rất nhiều và gia đình tập trung thu hoạch lứa đầu, báo hiệu sẽ bội thu”.
Còn anh Trần Văn Ngà, xóm Tân Phú kể đầy thích thú: “Gia đình tôi trồng thử 4 sào dưa, cây phát triển tốt, nhiều quả, ánh dưa ra đến đâu quả ra đến đó, thậm chí hái dưa rồi mà chùm vẫn tiếp tục ra quả. Mỗi nách lá là một chùm quả, trung bình từ 3-4 quả, cao nhất có thể lên tới 8 quả. Giống dưa này lại cho quả ngắn, nhiều gai đến lần thu hoạch cuối cùng, quả màu xanh đậm, sau khi chế biến ăn giòn”.
Theo nhận xét của đa số người dân tham gia mô hình thì cây dưa chuột bao tử là cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất cát pha ở Cát Nê, dễ chăm bón, năng suất cao, trung bình thu được từ 1-1,5 tấn/sào, thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng.
Với giá thu mua của Công ty cổ phần Đồng Xanh theo hợp đồng là loại 1: 7.000 đồng/kg, loại 2: 6.500 đồng/kg; loại 3: 4.000 đồng/kg doanh thu 2,8-3,5 triệu đồng/sào thì nông dân có thể thu 6-7 triệu đồng/sào dưa, sau khi trừ chi phí thu lãi 4-5 triệu đồng/sào, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, cây dưa hay mắc bệnh sương mai, thán thư, lở cổ rễ nên người trồng phải phun phòng thuốc theo định kỳ.
Tâm đắc với mô hình này, đồng chí Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cát Nê cho biết: Đây là mô hình mới, rất dễ làm và hiệu quả. Từ thành công này của mô hình, trong vụ đông và xuân năm tới, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng lên khoảng 20 - 30ha trong toàn xã tạo thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi tôm quản lý cộng đồng do Trung tâm KN-KN Kiên Giang triển khai tại hai huyện An Minh và Vĩnh Thuận trong hai năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Người nuôi có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí đầu tư, ít ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, năng suất cao hơn hẳn so với bình quân chung của tỉnh.

Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu (XK) nhân điều số 1 thế giới, nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu (NK) rất nhiều nguyên liệu điều để phục vụ chế biến XK.

Theo ông Lê Phước Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre), huyện đã sẵn sàng cho Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp lần thứ XII năm 2012, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25-6-2012 (mùng 4 đến mùng 7 - 5âl), tại Trung tâm Văn hóa và sân vận động huyện. Có 300 gian hàng (tăng 20 gian hàng) trưng bày cây giống, hoa kiểng, trái cây, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm phục vụ nông nghiệp và gian hàng tiêu dùng.

Theo lịch thời vụ, hè thu năm nay nông dân Phú Yên bắt đầu gieo sạ lúa từ 20.5. Thế nhưng, đến thời điểm này, trên nhiều diện tích, lúa giống vẫn chưa thể ra đồng vì khô hạn.

Công ty Điện lực Cà Mau vừa ký thỏa thuận hợp tác với UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Cà Mau trong việc đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp.