Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành

Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành
Ngày đăng: 30/07/2014

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua huyện Thạch Thành đã đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca (Macadamia), xuất xứ từ Australia.

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Được sự giới thiệu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khi ông vào thăm huyện Thạch Thành về cây mắc ca, ông Tú đã mày mò tìm hiểu thông tin về loại cây này qua các phương tiện truyền thông. Nhận thấy đây là loại cây mới, có giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng trồng trên đất đồi dốc, nên năm 2006, ông đã ra Trạm Nghiên cứu Giống cây trồng Ba Vì (nay là Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Hà Nội) mua 500 cây giống với giá 40.000 đồng/cây về trồng thử trên diện tích 2 ha.

Trạm nghiên cứu đã cử cán bộ hỗ trợ ông kỹ thuật trồng, chăm sóc ban đầu. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến năm 2011, lứa cây mắc ca đầu tiên đã cho quả bói. Đến năm 2013, cho quả đại trà với tổng sản lượng đạt gần 2 tấn.

Với giá bán tại vườn 60.000 đồng/kg cho các công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội và miền Nam đến thu mua chủ yếu để làm giống, gia đình ông đã có thu nhập hơn 120 triệu đồng. “Dự kiến năm 2014, thu nhập  từ cây mắc ca sẽ tăng gấp đôi, vì năng suất quả và giá bán cao hơn” - ông Tú khẳng định.

Từ hiệu quả bước đầu, năm 2014, gia đình ông Tú đã trồng thêm 1 ha cây mắc ca. Qua một thời gian trồng, chăm sóc, theo dõi, ông Tú khẳng định: Cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh.

Bên cạnh đó, mắc ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ của mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.

Trong 3 đến 4 năm đầu khi mắc ca chưa khép tán, có thể xen canh các loại cây như cà phê và nhiều loại cây hoa màu, cây dược liệu ngắn ngày để tăng thu nhập cho người dân.

Theo các tài liệu khoa học mà chúng tôi có được, mắc ca là một loại cây quả khô quý hiếm. Trong đó, bộ phận ăn được của trái mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc nhân, hạnh nhân, hạnh đào.

Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể con người.

Chính vì thế, mắc ca được coi là một loại thực phẩm cao cấp ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh, sôcôla, nước uống, dầu salat, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu... được ưa chuộng ở thị trường thế giới và trong nước. Tuy là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay diện tích trồng mắc ca trong nước cũng như ở Thanh Hóa chưa được phổ biến.

Ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, cho biết: “Với hiệu quả và tiềm năng của cây mắc ca, từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 30 ha ở các xã: Thành Vân, Thành Mỹ, Thành Sơn... chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích đất trồng luồng bị suy thoái, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thành đang nghiên cứu, có kế hoạch khảo nghiệm cây mắc ca ở một số địa phương có thổ nhưỡng phù hợp”.


Có thể bạn quan tâm

Người Trồng Dâu Tây Thương Phẩm Ở Gia Lai Người Trồng Dâu Tây Thương Phẩm Ở Gia Lai

Quá nửa đời gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, lão nông Đinh Cương (thôn 1-xã An Phú-TP. Pleiku) vẫn chưa một ngày thôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới, con đường mới với ước mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cây dâu tây vốn không xa lạ với người dân Phố núi nhưng để trồng dâu tây thương phẩm thì gần như ông Cương mới là người đầu tiên dám nghĩ, dám làm…

09/12/2014
Đồng Văn Chủ Động Phòng, Chống Đói, Rét Cho Gia Súc Đồng Văn Chủ Động Phòng, Chống Đói, Rét Cho Gia Súc

Nhận định mùa Đông năm nay, thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với các hiện tượng như: sương muối, băng tuyết... gây khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại nặng nhất là ở các xã vùng núi đá cao như Lũng Cú, Lũng Táo, Phố Bảng.

09/12/2014
Xen Canh Trên Đất Trồng Cao Su Ở Bằng Lang Xen Canh Trên Đất Trồng Cao Su Ở Bằng Lang

Là một xã vùng thấp của huyện Quang Bình, Bằng Lang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.514 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 2/3. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXI, xã đã thực hiện chủ trương quy hoạch phát triển trồng cây cao su để tạo ra nhiều cơ hội về công ăn việc làm cho người lao động.

09/12/2014
Mất Mùa Bưởi Hồ Lô Mất Mùa Bưởi Hồ Lô

Trong vụ bưởi tết năm nay, nhiều vườn bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành nói chung và câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình hồ lô ở xã Phú Tân nói riêng, không khỏi lo lắng khi trái non bị rụng ngay từ đầu vụ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất mùa, đồng nghĩa với thu nhập trong dịp tết của nhiều nhà vườn cũng giảm theo.

09/12/2014
Tất Bật Xuống Giống Mía Tất Bật Xuống Giống Mía

Mặc dù mùa thu hoạch mía 2014-2015 vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tranh thủ nước rút, hiện những khu vực nằm trong đê bao chống lũ hoặc nơi có bờ liếp cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đang tất bật xuống giống cho niên vụ mía 2015-2016. Theo đó, niên vụ mía năm nay, ngành chức năng địa phương và người dân có sự thay đổi lớn về cơ cấu giống và diện tích.

09/12/2014