Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Nuôi Thỏ Newzealand Tại Huyện Hậu Lộc

Những năm qua, huyện Hậu Lộc đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế; trong đó, mô hình nuôi thỏ Newzealand đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.
Ông Lê Ngọc Sự, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Hậu Lộc, cho biết: Thỏ Newzealand có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn. Vì vậy thỏ Newzealand được nhiều hộ nông dân ở huyện Hậu Lộc đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Mô hình chăn nuôi thỏ Newzealand quy mô nông hộ có nhiều ưu điểm như: tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương; ít dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, phù hợp với quy mô chăn nuôi của đại đa số nông hộ.
Chuồng trại trong chăn nuôi thỏ khá đơn giản, có thể tận dụng được tre, nứa, gỗ, sắt, thép để làm. Bên cạnh đó, thị trường thỏ giống, thỏ thương phẩm hiện nay khá lớn. Thỏ đang trở thành món ăn đặc sản được nhiều nhà hàng, khách sạn tìm mua với giá cao. Một chủ hộ chăn nuôi thỏ ở xã Tiến Lộc hồ hởi: “Ngày đầu mới nuôi, chúng tôi còn phải treo biển quảng cáo bán thỏ ở đầu ngõ, giờ thì không, người ta tìm đến tận nơi đặt hàng, cứ ra lứa nào là hết lứa đấy”.
Tới thăm trang trại của gia đình ông Đỗ Kim Ngân, ở thôn Cách, xã Tuy Lộc, hiện có trang trại nuôi thỏ Newzealand với quy mô gần 600 con, trong đó có 50 thỏ sinh sản, ông cho biết, gia đình bắt đầu nuôi từ tháng 4- 2014 với 60 thỏ giống; đến tháng 8, bắt đầu cho thỏ xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Việc nuôi thỏ Newzealand có nhiều thuận lợi do nguồn thức ăn cho thỏ rất phong phú, dễ làm, dễ kiếm như rau khoai lang, lá sắn... Theo ước tính, sau khi trừ chi phí đầu tư là 50.000 đồng/con, tiền thức ăn và phòng bệnh, 1 con thỏ thương phẩm cho lãi 120.000 đồng. Trung bình mỗi năm, thỏ đẻ 7 đến 8 lứa, mỗi lứa 6-8 con, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,5 – 3 kg/con là đã có thể xuất bán.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hậu Lộc có 41 hộ nuôi thỏ Newzealand từ 10 đến 100 con sinh sản với tổng 700 thỏ bố mẹ và hơn 3.500 thỏ thương phẩm. Từ đầu năm đến nay, các hộ nuôi đã xuất bán ra thị trường hơn 8 tấn thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người chăn nuôi.
Ngoài việc cung cấp thỏ thịt thương phẩm cho thị trường trong huyện, hai tổ nuôi thỏ Newzealand ở hai xã Tuy Lộc và Tiến Lộc đã ký hợp đồng trở thành vùng nguyên liệu cung cấp thỏ với hãng dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản có nhà máy công nghệ sinh học tại Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, dự kiến tháng 7-2014 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy này chuyên sản xuất dược phẩm với nguồn nguyên liệu chiết xuất từ da thỏ Newzealand, công suất tiêu thụ khoảng 3.800 con/ngày. Đây sẽ là thị trường ổn định, mở ra hướng đi mới cho những người chăn nuôi thỏ ở huyện Hậu Lộc.
Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi thỏ phát triển hơn nữa bà con cần đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại một cách khoa học, tìm hiểu và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc thỏ.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131859/Hieu-qua-buoc-dau-mo-hinh-nuoi-tho-Newzealand-tai-huyen-Hau-Loc
Có thể bạn quan tâm

Canh tác nương rẫy vốn là tập quán sản xuất lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với đó là tình trạng du canh du cư, phát rừng làm rẫy một cách tự phát đã làm cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ… là những gì ông Nguyễn Hữu Nguyên (thường gọi ba Nghiệp), “đại gia” nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang), đúc kết được sau nhiều chuyến học tập ở nước ngoài. Theo ông, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cá tra Việt Nam sẽ khó tồn tại và cạnh tranh với thế giới.

Không ai biết rõ con nghêu xuất hiện ở vùng biển Gò Công từ bao giờ, chỉ biết những năm trước đây, nhiều người đã khai thác và làm giàu từ nó. Chính vì nguồn lợi quá dồi dào nên nhiều người đã ví các sân nghêu như mỏ “vàng trắng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại đau đáu nỗi lo mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí bạc đầu vì nó.
Được cán bộ nông nghiệp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát trải bạt của anh Lê Văn Nhất ở thôn Hòa Thạch.

Cứ đến tháng 5 - 6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.