Hiệu quả bước đầu của cây thanh long ruột đỏ ở Hướng Hóa

Là loài cây dài ngày, có khả năng chịu hạn lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hướng Hóa, nên cây TLRĐ sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Hiện tại, toàn huyện Hướng Hóa có hơn 3 ha TLRĐ từ 3 - 5 tuổi tập trung chủ yếu ở hai xã Tân Hợp và Tân Long.
Cây thanh long ruột đỏ được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hướng Hóa
Sự biến động thất thường về thị trường giá cả của các mặt hàng nông sản trên địa bàn trong thời gian qua đã thôi thúc người dân ở Hướng Hóa tìm kiếm một giống cây trồng mới cho thu nhập bền vững, ổn định hơn.
Bên cạnh những cây trồng chủ lực như cà phê, sắn, hồ tiêu… những năm qua nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm một loài cây khá xa lạ là TLRĐ trên vùng đất mới với kết quả bước đầu rất khả quan.
Trong khuôn viên gần 2.000m2 đất của gia đình ông Võ Tình (75 tuổi) ở thôn Long Thành, xã Tân Long có hơn 200 gốc TLRĐ từ 2 - 3 năm tuổi đã cho thu hoạch.
Ông Tình cho biết: “Cây TLRĐ phù hợp, phát triển tốt với điều kiện khí hậu ở đây.
Hiện tại gia đình tôi có hơn 200 gốc TLRĐ đã cho thu hoạch hai năm nay.
Mỗi gốc TLRĐ thu hoạch được từ 20 - 30kg quả.
Thời gian ra hoa đến khi trái chín chỉ trong vòng một tháng, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch.
Trên thị trường bây giờ giá cả TLRĐ giao động từ 30 - 40 ngàn đồng/kg”.
Trước đây, trong vườn của gia đình ông Tình trồng chuối.
Vì giá cả lên xuống thất thường, hiệu quả mang lại không cao nên ông quyết định chuyển sang trồng TLRĐ.
Lúc đầu ông Tình đúc trụ bê tông trồng 100 gốc TLRĐ, qua một năm thấy cây phát triển tốt, kết hoa ra trái nhiều, giá cả lại ổn định nên ông trồng thêm hơn 100 gốc TLRĐ nữa.
Ông Tình chia sẻ: “Cây TLRĐ trồng cỡ 8 tháng đã cho quả bói, qua năm thứ 2 bắt đầu ra quả nhiều.
Một gốc TLRĐ như vậy phải trồng cách nhau ba mét, mỗi trụ cao khoảng một mét rưỡi.
Bởi trái TLRĐ khi chín rất đẹp lại thơm, ngon nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Năm nay nếu thị trường giá cả ổn định như năm ngoái thì gia đình tôi thu nhập gần 150 triệu đồng từ cây TLRĐ.”
Là hộ dân trồng TLRĐ đầu tiên ở huyện Hướng Hóa với 400 gốc, mỗi năm loại cây này mang đến gia đình ông Lê Ngoạn (47 tuổi) ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp nguồn thu nhập gần 250 triệu đồng.
Vườn TLRĐ của gia đình ông trồng đã được 5 năm tuổi, cây đang ở vào giai đoạn ra quả sung sức nhất.
Ông Ngoạn cho biết: “Vừa qua gia đình tôi đã thu hoạch lứa TLRĐ thứ hai bán được 20 triệu đồng.
Những năm qua, giá quả TLRĐ ở đây rất ổn định, người tiêu dùng rất ưa chuộng loại quả này nên bán rất chạy.
Ở đây thường là thương lái vào tận vườn để thu mua, chứ rất ít khi mang ra chợ bán”.
Theo ông Ngoạn thì cỡ 3 ngày, gia đình ông lại cắt quả TLRĐ bán một lần với giá từ 25-40 ngàn đồng/kg.
Đặc biệt loại cây này ra quả sớm hơn thanh long ruột trắng đến 3, 4 tháng, giá cả lại cao hơn thanh long ruột trắng rất nhiều, trong khi đó các công đoạn trồng, chăm sóc dễ dàng hơn, TLRĐ lại ít gặp sâu bệnh.
Mỗi gốc TLRĐ như vậy có tuổi thọ trung bình từ 25- 30 năm tuổi.
Không chỉ gia đình ông Lê Ngoạn, ông Võ Tình trồng TLRĐ với số lượng lớn, ở Hướng Hóa còn có nhiều hộ dân khác trồng TLRĐ mang lại hiệu quả cao như gia đình anh Lê Hoàng (thôn Tân Xuyên) trồng hơn 300 gốc, anh Lê Trọng (xã Tân Hợp) trồng 400 gốc…
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả bước đầu của cây TLRĐ, ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “TLRĐ là loại cây trồng mới ở Hướng Hóa nhưng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Hiện tại toàn huyện có hơn 3 ha TLRĐ từ 3 - 5 tuổi.
Những năm qua TLRĐ đã đem đến nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng”.
Tuy nhiên, theo ông Trung, số lượng TLRĐ trên địa bàn còn manh mún, đây chưa phải là cây trồng lợi thế ở huyện.
Nếu phát triển thêm diện tích TLRĐ thì cần phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định hơn để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, ảnh hưởng đến công sức và tiền của đầu tư của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Từ một người phụ nữ không biết chữ, chị Trần Thị Bé, ở thôn Vân Cẩm, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã trở thành một nữ “đại gia” với việc sở hữu tới trên 1.000 con lợn.

Mất đất, mất kế sinh nhai, thế nhưng nhờ được hỗ trợ học nghề, người dân phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn tìm được việc làm với thu nhập khá.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định, nuôi tôm theo VietGAP đảm bảo tiêu chí “4 an” là an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.

Việc tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu... Ngành này được dự báo sẽ gặp tình cảnh “đắng nhiều hơn ngọt” do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới…

“Đặt lọp lươn xong không dám ngủ mà phải thức thâu đêm canh chừng vì sợ trộm đổ lọp của mình. Đi đến đâu là mắc võng nghỉ tại chỗ đó. Luôn cảnh giác với kẻ trộm, vậy mà chúng tôi bị dỡ lọp trước hoài…”