Hiệu Quả 3 Năm Thực Hiện Mô Hình Nuôi Cua

Trong 3 năm 2011 - 2013, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Nghệ An đã thực hiện thành công mô hình nuôi cua biển thương phẩm trên diện tích 2,5 ha. Mô hình nuôi theo hình thức thâm canh trong thời gian 5 tháng tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, và thành phố Vinh.
Đây là mô hình nuôi mới nên việc chuẩn bị chọn địa điểm, chọn hộ nông dân tham gia trình diễn được TTKN phối hợp chặt chẽ với các Trạm Khuyến nông ven biển và UBND xã tiến hành công khai, dân chủ. Những hộ có kinh nghiệm, có tiềm năng về tài chính, nhiệt huyết trong công việc, dám đầu tư nuôi thử nghiệm đối tượng mới được chọn để làm mô hình.
Mặc dù trong quá trình thực hiện gặp không ít những khó khăn như thời tiết thất thường, nguồn nước phụ thuộc vào tự nhiên, giá thức ăn, vật tư và thuốc thú y ngày một tăng cao nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cua. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của TTKN, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông và có sự đầu tư tích cực từ ban đầu, hộ dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi cua nên mô hình đạt kết quả khá. Tỷ lệ sống đạt 60 - 65%, cỡ cua đạt 3 - 4 con/kg, năng suất thu hoạch cao đạt 1.5 - 1.9 tấn/ha.
Điển hình là mô hình triển khai tại hộ anh Võ Văn Mai ở xóm 3, Nghi Xá, Nghi Lộc. Năm 2012, với diện tích 0,5 ha ao nuôi, anh thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg, thức ăn cho cua chủ yếu là cá tạp. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cua đạt bình quân 0,3 kg/con, cho sản lượng cua thương phẩm là 900 kg, giá bán tại ao 320 ngàn đồng/kg, hộ đã thu về 288 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh đã thu lãi ròng 218 triệu đồng.
Để đạt được hiệu quả cao, các hộ nuôi cua cho biết: trước hết phải cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chọn con giống đảm bảo có chất lượng tốt để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cua giống thả ban đầu phải ≥ 2cm/con, mật độ thả phù hợp nhất là 1 con/m2.
Thức ăn hàng ngày của cua chủ yếu là cá tạp và phải chủ động giữ được thức ăn tươi sống, môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thường xuyên vệ sinh đáy ao để loại bỏ thức ăn thừa thối rữa, nên thay nước theo thuỷ triều để đảm bảo môi trường ao nuôi trong sạch và kích thích cua bắt mồi và lột xác giúp cua sinh trưởng và phát triển nhanh.
TTKN Nghệ An đã tổ chức tổng kết để đánh giá kết quả và bàn biện pháp nhân rộng mô hình. Tại Hội nghị, các đại biểu và bà con nông dân đều thống nhất cao với mô hình nuôi cua thương phẩm, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, đưa giống cua tốt, dễ nuôi, ít bệnh đến cho người dân.
Bên cạnh đó nuôi cua biển thương phẩm là cơ sở giúp cho người nông dân nâng cao được nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu giống con nuôi cũng như phương thức nuôi thả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển đa dạng giống nuôi, tạo thêm sản phẩm mới nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường ngày một tăng.
Điều đặc biệt của việc thực hiện mô hình này là đề cao tính an toàn sinh học trong việc nuôi thả. Do vậy, cán bộ kỹ thuật đã chú trọng tập huấn cho nông dân tham gia mô hình nắm vững kiến thức, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hạn chế dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có diện tích trồng sầu riêng chuyên canh khá lớn với hơn 1500 ha, còn lại hơn 100 ha trồng xen với các loại cây ăn trái khác như cây sapo, vú sữa, mít…. Nhằm phát huy thế mạnh của các giống cây ăn trái chủ lực của tỉnh, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn GAP; trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành các cấp, các đoàn thể và nhất là của cơ quan khuyến nông, xã Tam Bình đã triển khai xây dựng các mô hình về “Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP”.
Hiện nay, nhà vườn trồng thanh long chuyên canh tại các xã thuộc huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đang gặp rất nhiều khó khăn do giá thanh long đang nằm ở mức thấp. Hơn nửa, dịch bệnh trên thanh long đang bùng phát một cách khó kiểm soát khiến cho nhà vườn trồng thanh long lo lắng hơn.

Từ gốc dứa trồng muộn vẫn cho thu hoạch với những quả thơm ngon, gia đình anh Phạm Đăng Luân, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) đã quyết định mở rộng diện tích dứa trái vụ. Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, dứa trái vụ còn giúp gia đình anh có thêm thu nhập nhờ đầu ra thuận lợi.

Ngày 28/8/2015, tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững.

Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng để xuất khẩu (XK) thủy sản. Nhiều thị trường đã thông suốt về thủ tục, nhưng XK được nhiều hay ít còn phụ thuộc nhu cầu thực sự của các thị trường này.