Hiệp hội lương thực xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc từ quý IV

Đây là thông tin được ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/10 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng khoảng 4,35 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014
Nhận xét về thị trường gạo, ông Huỳnh Minh Huệ cho hay, nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonesia thời gian gần đây.
"Điều này sẽ giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới khả quan hơn, tăng trưởng ổn định hơn kể từ quý IV/2015 và kéo dài đến quý I/2016", ông Huệ cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Huệ, việc tăng khối lượng xuất khẩu cũng sẽ đặt ra sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước khi sản lượng lúa gạo vụ Thu Đông sắp kết thúc cộng với lượng tồn kho chỉ khoảng là 1,5 triệu tấn.
"Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp cần phải cân đối lại nguồn cung phục vụ đủ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bởi nếu tính hợp đồng thương mại mà Việt Nam đã ký là 1,3 triệu tấn và hợp đồng tập trung là 1,5 triệu tấn thì 6 tháng tới sẽ khá căng thẳng trong cân đối', ông Huệ nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo việc cung cấp thông tin thị trường phải hết sức cẩn trọng, bám sát tín hiệu thị trường.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là xuất khẩu hết lúa gạo cũng như đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Lúa gạo vẫn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và thị trường tập trung.
Do vậy, cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để tránh những tổn thương khi nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm", Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.

Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.

“Với gần 4.300ha nhãn cho thu hoạch với chất lượng quả rất cao, bán được giá gấp đôi, gấp ba so với nhãn thường, tư thương lại thu mua mạnh nên vụ nhãn năm nay người dân huyện Sông Mã rất phấn khởi” - ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) hào hứng thông tin.

Dọn sạch cỏ dại và nuôi kiến đen trong vườn điều để làm thiên địch, đồng thời, sử dụng các loại thuốc phòng trừ hiệu quả bọ xít muỗi như: Oxymatrine (Vimatrine 0.6SL), Emamectin benzoate (Tasieu 1.0EC, 1.9EC, 2WG, 5WG), Abamectin (Nouvo 3.6EC, Plutel 1.8 EC, 3.6EC)…

Ngày 16.9, Hội thảo khởi động dự án cải thiện thu nhập cho nông dân vùng Tây Bắc Việt Nam do Chính phủ Australia tài trợ đã khai mạc tại Hà Nội.