Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệp hội Chăn nuôi muốn kiện thịt gà Mỹ bán phá giá

Hiệp hội Chăn nuôi muốn kiện thịt gà Mỹ bán phá giá
Ngày đăng: 30/07/2015

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng một kg và bán ra thị trường TP HCM 23.000 đồng, rẻ bằng nửa gà nội và gần bằng một phần tư giá bán cho người tiêu dùng tại Mỹ. Giá gà nguyên con tại bang California (Mỹ) theo khảo sát của hiệp hội là gần 9 USD một kg, tương đương khoảng 200.000 đồng. Riêng sản phẩm đùi và cánh gà 3,5 - 4,5 USD một kg (70.000 - 80.000 đồng).

Ngay trên website Bộ Thống kê Lao động Mỹ cũng cho thấy giá đùi gà (còn xương) trung bình tại các thành phố của Mỹ trong tháng 5 là 1,62 USD một pound, tương đương 3,57 USD một kg (75.000 đồng). Mức giá này tăng 4,5% so với tháng trước và 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá gà nguyên con tháng 6 là 1,51 USD một pound, tương đương 3,33 USD một kg (70.000 đồng), tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,2% so với tháng trước.

Với sự chênh lệch quá lớn về giá nêu trên, Hiệp hội lập luận rằng cần xem lại chất lượng của thịt gà Mỹ nhập khẩu.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, tại cuộc họp chiều (28/7) với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hai đơn vị này đã cùng ký văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá sản phẩm thịt gà Mỹ tại Việt Nam nhằm thâu tóm thị trường. Đồng thời, yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ về nguồn gốc, chất lượng của các mặt hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam.

"Chúng tôi đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để gửi lên Bộ Công Thương, văn bản được gửi đi trong chiều nay, 29/7", ông Quyết nói.

Ông Quyết cũng cho biết, nếu để tình trạng này kéo dài, sản phẩm trên không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn gây tổn hại cho người tiêu dùng. Bởi lẽ, theo ông, từ đầu năm tới nay, nước Mỹ bùng phát 3 đợt dịch bệnh trên gia cầm, các nước nhập khẩu thịt gà từ Mỹ trả lại đơn hàng. Chính phủ Việt Nam đã có lệnh tạm ngưng nhập khẩu gà từ Mỹ khi nước này xuất hiện dịch bệnh, thế nhưng lượng thịt nhập khẩu lại tăng lên bất thường với giá rẻ. 6 tháng đầu năm, tổng số lượng thịt gà nhập về 50.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ và chiếm 50% thị phần. Cả năm 2014, Việt Nam chỉ nhập hơn 80.000 tấn.

"Tại Mỹ sản phẩm thấp nhất bán với giá trên 70.000 đồng một kg, trong khi đó, xuất sang Việt Nam chỉ 19.000 đồng. Vậy, tại sao nước Mỹ không giữ lại để bán cho thị trường trong nước mà phải xuất sang Việt Nam. Tôi nghi ngờ rằng những sản phẩm này là hàng thải, bị các nước nhập khẩu trả về. Thay vì phải tiêu hủy tại Mỹ và đóng thuế môi trường thì họ dồn sang Việt Nam vì thấy chính sách nơi đây quá dễ dãi", ông Quyết phán đoán. Ông cũng không đồng tình với ý kiến cơ quan chức năng Việt Nam gần đây, lý giải rằng giá gà nhập từ Mỹ rẻ vì người  Mỹ chỉ ăn ức gà, còn các bộ phận khác được bỏ và chỉ xuất khẩu. Ông cho biết, khi Hiệp hội trực tiếp khảo sát tại Mỹ, rất nhiều hộ gia đình cho biết họ có sử dụng các bộ phận khác ngoài ức.

Đồng quan điểm với ông Quyết, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, nếu giá gà Mỹ chỉ 19.000 đồng một kg thì sau khi tính toán kỹ, giá gà lông làm ra chỉ 14.000 đồng một kg. Điều này không một doanh nghiệp sản xuất nào trên thế giới có thể làm được. Tại Việt Nam, đối với những doanh nghiệp có quy trình hiện đại, biết tận dụng tối đa chi phí thì giá gà lông bán ra thị trường cũng ở mức 25.000 - 26.000 đồng một kg. Nếu vận chuyển an toàn tới doanh nghiệp chế biến thì giá được cộng thêm 2.000 đồng một kg, còn tới khâu đóng gói sẽ khoảng 33.000 - 35.000 đồng. Như vậy, dù tiết kiệm chi phí tối đa, gà Việt vẫn đắt hơn gà Mỹ gần 50%.

Cũng nhận thấy mức giá gà Mỹ là bất thường, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc chăn nuôi Công ty Emivest Việt Nam cho rằng: "Dù là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi, chúng tôi cũng vô phương với mức giá này. Bởi lẽ, cơ cấu giá thành để tạo ra một sản phẩm bao gồm rất nhiều yếu tố: con giống, thức ăn, thuốc thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật..."

Ngoài ra, ông cũng nhận xét, tại Việt Nam, chi phí nhân công, điện, nước... rẻ hơn Mỹ nhiều lần. Thêm vào đó, khi vận chuyển sang Việt Nam họ phải mất chi phí kiểm dịch, bảo quản lạnh, thuế... nên chắc chắn phải cao hơn giá thành tại Mỹ và Việt Nam. Thế nhưng, tại thời điểm này, giá gà lại có mức giá khó "tưởng tượng". Điều này không những làm ảnh hưởng tới công ty của ông mà còn gây thiệt hại đến các trang trại chăn nuôi khác của Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, khu vực này hiện có hơn 3.000 trang trại đang bị ảnh hưởng bởi giá gà nhập quá thấp. Hầu hết, sản phẩm bán ra của các trang trại luôn dưới giá thành khoảng 5.000 đồng một kg, tính ra mỗi con gà chịu lỗ 10.000 đồng, một tháng các trang trại lỗ ít nhất 80 - 90 tỷ đồng, tổng cộng 6 tháng là gần 500 tỷ đồng.

"Hiện các hộ nuôi gà đã giảm 50% quy mô. Tình hình này nếu cứ tiếp diễn thì lượng gà cung cấp ra thị trường sẽ thiếu hụt. Điều này đồng nghĩa với việc chăn nuôi của Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản", ông Quyết nói thêm.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ kiến nghị, Nhà nước cần nhanh vào cuộc để làm rõ việc bán phá giá trên của doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng chặt chẽ hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng gà nhập; hỗ trợ về thủ tục thú y, giấy tờ xuất khẩu để sản phẩm thịt gà Việt có thể vươn ra nước ngoài.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi ghép cá lóc Nuôi ghép cá lóc

Cá lóc giờ đây đã trở thành đối tượng nuôi quen thuộc của người dân Nam bộ. Có rất nhiều hình thức nuôi cá lóc nhưng phổ biến nhất là nuôi thâm canh trong ao đất với năng suất lên đến hàng trăm tấn/ha.

14/09/2015
Ngư dân huyện U Minh được mùa cá cơm Ngư dân huyện U Minh được mùa cá cơm

Hàng năm cứ vào khoảng giữa tháng 8 đến cuối tháng 10 dương lịch là thời điểm ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bắt tay vào mùa khai thác cá cơm.

14/09/2015
Thả 3000 cá dìa giống xuống đầm Cầu Hai Thả 3000 cá dìa giống xuống đầm Cầu Hai

Đây là một hoạt động thường xuyên của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tăng khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

14/09/2015
Tăng cường công tác thú y trong nuôi trồng thủy sản Tăng cường công tác thú y trong nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có gần 16 nghìn ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó diện tích ao đầm nuôi thủy sản nước mặn, lợ tập trung chủ yếu ở 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng; nuôi thủy sản nước ngọt nằm xen kẽ rải rác ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Mặc dù lĩnh vực này phát triển khá mạnh nhưng việc thực hiện công tác thú y thủy sản còn nhiều hạn chế.

14/09/2015
Phát triển bền vững ngành thủy sản cần tháo gỡ bất cập từ thể chế Phát triển bền vững ngành thủy sản cần tháo gỡ bất cập từ thể chế

Do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản thiếu đồng bộ và tồn tại bất cập khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, cản trở đến sự phát triển bền vững của ngành. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại buổi làm việc mới đây giữa Đoàn kiểm tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật về xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng đến phân phối, xuất khẩu của TP Cần Thơ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố…

14/09/2015