Hiền Ninh (Quảng Bình) Thất Bát Vì... Được Mùa Củ Cải

Thời tiết thuận lợi nên số diện tích trồng củ cải trắng của bà con nông dân ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) năm nay được mùa lớn. Thế nhưng, niềm vui đã không trọn vẹn khi mà bước vào thời kỳ thu hoạch, nhiều diện tích củ cải lại bị chính người dân nhổ bỏ.
Lâu nay, sản xuất rau củ được xem là một trong thế mạnh và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Hiền Ninh. Thế nhưng việc người nông dân phải nhổ bỏ đi hàng loạt ha diện tích trồng củ cải mà họ đã tốn biết bao công sức chăm sóc là điều ít xảy ra.
Lý do mà những người trồng củ cải đưa ra là do năm nay thời tiết thuận lợi củ cải được mùa. Được mùa nhưng mất giá, củ cải bán rẻ như cho. Không còn cách nào khác, người dân đành phải nhổ bỏ, hoặc đem cho trâu bò ăn.
Theo chân những người nông dân ra ruộng, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Mừng thôn Bắc Cổ Hiền cho biết: Nhà chị trồng 3 sào củ cải, vào vụ giá mỗi kg củ cải là 1.000 đồng. Giá rẻ như vậy nhưng cũng chẳng có thương lái nào đến thu mua, nên đành phải nhổ vứt thành đống để lấy đất trồng bắp.
Giờ củ cải trắng đã chuyển sang màu xanh vì đã lâu ngày. Khi được hỏi tại sao không đem bán hoặc cho bò lợn ăn chị cười nói: "Củ cải ni trâu bò cũng không ăn, mà có mang ra chợ thì cũng mang về vì ở đây đa số nhà nào cũng trồng...".
Không chỉ riêng gia đình chị, hầu hết những ai trồng củ cải đều có chung hoàn cảnh. Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Bắc Cổ Hiền chỉ số củ cải vẫn còn đang nằm chỏng chơ trên ruộng rồi lắc đầu cho hay: Đó là số diện tích củ cải không bán được của gia đình. Không biết làm gì với số lượng lớn, vì có nhổ lên cũng không ai mua.
Nên ông đành thuê người về cày dập may ra số củ cải đó cũng làm tốt cho đất. Vụ củ cải này gia đình ông Nam gieo trồng 5 ha, tuy nhiên giá trị mà ông thu được chỉ vỏn vẹn 3 trăm nghìn đồng. Số tiền đó không đủ bù cho tiền giống và tiền phân bón, coi như là lỗ nặng.
Vào thời điểm này năm ngoái, cũng trên diện tích 5 ha củ cải nhưng gia đình ông lãi gần 14 triệu đồng. Lúc đó giá củ cải không bèo bọt như bây giờ chỉ 800-1.000 đồng 1 kg mà lúc cao nhất lên đến 10.000 đồng/kg. Thấy việc trồng củ cải mang lại giá trị kinh tế cao, nên vụ này số hộ trồng củ cải tăng mạnh. Trước đây trồng chính vẫn là vùng Cổ Hiền, nhưng năm nay nhiều hộ ở Long Đại cũng bắt đầu trồng và tăng diện tích.
Chị Nguyễn Thị Kiều, thôn Long Đại chia sẻ: Năm ngoái chị trồng 3 sào củ cải, do biết đi nhập tận nơi cho các mối và giá cao 10.000 đồng/kg, nên 3 sào chị đã lãi 8 triệu đồng.
Năm nay tăng diện tích lên 5 sào thì giá củ cải lại giảm mạnh. Mặc dù không chờ thương lái đến mua tận ruộng nhưng việc chị chở về nhập tận nơi cho mối thì lời lãi cũng không thể bằng như năm ngoái được.
Ông Nguyễn Văn Khuê ở cùng thôn nói: "Năm ngoái không trồng nhưng nghe mọi người bán được giá lắm nên tôi cũng trồng thử 2 sào. Ai ngờ bán không được phải nhổ lên vứt hết".
Trong khi thị trường tiêu thụ vẫn bó hẹp trong xã và các địa phương lân cận thì số lượng người trồng củ cải tăng nhanh chóng đã khiến cho việc tìm đầu ra của người dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đa số người dân đều chưa chủ động liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình mà chỉ phụ thuộc vào các thương lái thu mua.
Nếu chờ lâu không có ai đến hỏi thì họ vứt tận ruộng hoặc nhổ lên chất đống. Việc giá củ cải rớt xuống quá thấp đã khiến cho nhiều người dân trong đó có nhiều hộ gia đình đã có nhiều năm trồng củ cải như ông Nam cũng quay lưng với loại cây này.
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: Toàn xã có khoảng 40 ha diện tích trồng củ cải. So với những năm trước thì diện tích trồng củ cải năm nay tăng mạnh. Ở hai thôn Cổ Hiền và Long Đại là nơi có diện tích trồng củ cải lớn trong xã.
Đây là nơi có đất bồi phù sa tốt nên thuận lợi cho việc trồng rau các loại. Tuy nhiên, việc trồng cây củ cải là do tự phát ở trong dân chứ xã không chỉ đạo trồng. Cũng theo ông thì trồng cây truyền thống như sắn, lạc, ngô… vẫn an toàn nhất. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con nên trồng những cây truyền thống này.
Sự việc trên là bài học không chỉ cho người dân trong xã mà cho những địa phương nào vẫn còn duy trì phương thức sản xuất chạy theo lối phong trào thấy lợi cứ làm để rồi trồng một cách ồ ạt. Hệ quả là khi nguồn cung vượt cầu thì giá trị sản phẩm sản xuất không tìm được đầu ra và người cuối cùng chịu thiệt vẫn là những người sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, thương lái mua quít đường tại Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với 1 tháng trước đó. So với cùng kỳ năm trước, giá quít năm nay tuy giảm nhưng vẫn cao hơn 6.000 đồng/kg.

Về thăm miệt vườn Kế Sách (Sóc Trăng), du khách sẽ biết đến các loại trái cây ngon qua lời giới thiệu "bưởi Kế Thành, cam sành Trinh Phú, vú sữa Xuân Hòa". Trong đó, vú sữa tím Xuân Hòa, sau một thời gian bị lãng quên nay được nhiều nhà vườn quan tâm đặc biệt vì đây là loại cây cho lợi nhuận rất cao nhờ trái cho thu hoạch sớm hơn khoảng 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.

Ngày 2-11, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh đã tổ chức đoàn khảo sát tình hình trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, đại diện Công ty TNHH Begreen (TP. Hồ Chí Minh). Chuyến khảo sát nhằm lựa chọn vùng đất phù hợp để có hướng đầu tư trồng rau theo công nghệ nano sinh học.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý siêu são Haiyan đang giật trên cấp 17, được đánh giá là mạnh nhất 10 năm trở lại đây, đang đi chuyển rất nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung từ tối ngày 10 đến rạng sáng 11-11.

Bình Thuận là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, nhưng nguồn ô nhiễm môi trường đang ngày càng làm giảm đi vẻ đẹp nguyên sơ của vùng biển này.