Hàu Dễ Nuôi, Lợi Nhuận Cao

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm ở các vùng ven biển và phía bắc quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu, nhiều hộ dân lúng túng trong việc chuyển đổi sản xuất các đối tượng thủy sản khác như: cá kèo, cá mú, cá chẽm… thì Anh Ngô Văn Xíu đã thành công với nghề nuôi hàu thương phẩm, hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Trước đây anh Ngô Văn Xíu (ngụ ở khóm 6, phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nuôi tôm công nghiệp khá thành công, nhưng về sau do ô nhiễm môi trường, nhiều dịch bệnh, nuôi tôm trở nên khó khăn, năm 2011, anh bỏ nghề nuôi tôm, nhận khoán một đoạn kênh khoảng 1 km (đoạn gần cửa biển), tại ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để xây dựng bè nuôi hàu.
Anh thiết kế 140 bè nuôi, mỗi bè có diện tích 6m2 (ngang 2 m, dài 3 m). Bè làm bằng tre, sàn bè đan lưới, trên mỗi bè treo 8 can nhựa lớn để cho bè nổi cách đáy 0,5m.
Anh thả nuôi 200 kg hàu giống/bè (cỡ 12 – 14 con/kg). Tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng, bao gồm con giống, vật tư làm bè và thuê mướn công nhân. Sau 7 tháng nuôi, bắt đầu đạt kích cỡ thu hoạch hàu thịt, từ 3 đến 4 con/kg, giá bán bình quân 13 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí anh còn lãi trên 300 triệu đồng.
Năm 2012, anh nâng số lượng bè lên 180 bè và cải tiến vật liệu làm bè nhằm giảm chi phí. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình đạt 4 con/kg, sản lượng trên 70 tấn, giá bán 15 ngàn đồng/kg, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng trung bình đạt 4 con/kg, anh xíu thu sản lượng trên 70 tấn hàu thương phẩm, lợi nhuận gần 400 triệu đồng.
Anh Xíu chia sẻ kinh nghiệm nuôi hàu: “Kỹ thuật nuôi hàu đơn giản, dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt rất thấp, rất phù hợp với vùng ven biển, nuôi được quanh năm, không dịch bệnh. Nuôi hàu không cần cho ăn, thức ăn chủ yếu là tảo, phiêu sinh vật phù du, ít công chăm sóc, dễ quản lý so với nuôi tôm, chỉ cần 4 công lao động là đủ.
Sau 1 tháng sắp hàu lại 1 lần, tránh chồng lên nhau, để chúng dễ dàng hấp thụ thức ăn, dùng mô tơ rửa sạch rong rêu bám trên thân hàu. Hàu thương phẩm tiêu thụ tại địa phương và chủ yếu cung cấp cho thương lái ở TP Hồ Chí Minh”.
Hiện tại, anh Xíu tiếp tục thả nuôi lại 2 tấn hàu giống trên 10 bè. Do nguồn con giống khan hiếm - mua tận Cà Mau, với giá khá cao 9 ngàn đồng/kg, loại 10 – 12 con/kg, nên để chủ động được nguồn giống và giảm chi phí trong sản xuất, anh đã tự tạo những giá thể đặt ngoài cửa biển, làm nơi cư trú cho hàu con để khai thác giống tự nhiên.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu nhận xét: “Nuôi hàu vốn đầu tư không cao, có thể nuôi với số lượng lớn, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro, lợi nhuận cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển.
Mô hình này góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, cải thiện chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên cũng cần khảo sát địa thế và chất lượng nguồn nước, tránh ô nhiễm và không chạy theo phong trào dẫn đến được mùa, rớt giá”.
Có thể bạn quan tâm

UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết hàng chục hộ dân ở hai thôn 2, 3 xã Trà Linh vừa hình thành mô hình trồng sâm tập thể, bao gồm tổ trưởng, tổ phó, thư ký với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng thành viên (như chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ cây sâm…). Đây là mô hình mới nhất tại vùng sâm Ngọc Linh (sâm K5) có giá trị kinh tế rất cao, vì lâu nay chỉ có các vườn sâm riêng lẻ.

Nếu như trước đây, người trồng nấm ở Bảo lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất giống nấm mèo bởi có đầu ra ổn định (dù không đem lại giá trị kinh tế cao) và cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao trong nuôi trồng. Nay, các loại nấm cao cấp như sò đùi gà, bào ngư nhật, bào ngư xám… đã được các hộ trồng nấm mạnh dạn đưa vào sản xuất, bởi ngoài lợi ích kinh tế họ còn không phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống.

Ngày 30/5/2012, đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP trong ao tại tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Đến xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ (Long An), ai cũng biết anh Trịnh Văn Bé Sáu là nông dân điển hình thực hiện nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng.

Đưa các đĩa có trứng đi ấp trong thùng, khoảng 8 hôm sau trứng sẽ nở ra dế con. Lúc đó ta mới thấy, nó đẻ khủng khiếp, hàng nghìn dế con bò khắp thùng...