Hành tây 500đ/kg, nông dân Đà Lạt lại đổ bỏ hàng trăm tấn

Ngày 15-6, sau một thời gian đưa vào kho tạm trữ, anh Phan Thanh Hùng (tổ 1, khu Đất Mới, P.7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) phải bán tháo 4 tấn hành tây có nguy cơ bị hư với giá 500 đồng/kg. Trước đó, gia đình anh đã đổ bỏ trên 5 tấn hành do bị thối.
Anh Hùng cho biết vụ đông xuân vừa qua gia đình anh trồng 8.000m2 hành tây, thu về 80 tấn hành củ thương phẩm. Vào thời điểm thu hoạch, giá hành xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg nên vợ chồng anh thuê 60 công lao động, thu hoạch toàn bộ số hành này cho vào kho trữ chờ giá tăng lại.
Đến tháng thứ hai hành bắt đầu thối, chảy nước, bốc mùi, mọc mầm, gia đình anh Hùng phải nhặt số hành hư đổ bỏ khoảng 5 tấn, bán tháo 4 tấn, trong kho còn trên 70 tấn nhưng chưa biết có phải đổ bỏ thêm nữa hay không.
Ông Võ Thắng, một người trồng hành cũng ở khu Đất Mới, cho biết mỗi sào hành trung bình đạt từ 8 - 10 tấn, với giá bán cao nhất hiện nay là 2.900 đồng/kg, nhà vườn sẽ hòa vốn với điều kiện hành cất giữ không bị hư hỏng và tất cả đều phải là loại 1.
Vụ hành vừa qua gia đình ông Thắng thu hoạch được 40 tấn, do thời điểm thu hoạch hành gặp mưa nên hành trữ trong kho chỉ được hơn một tháng thì hư hỏng. Gia đình ông đã đổ bỏ gần 3 tấn, bán tháo 15 tấn với giá 500 đồng/kg.
Ước tính tại khu Đất Mới, P.7 trong vòng một tháng qua đã có hơn 50 tấn hành của người dân phải đổ bỏ vì lên mầm do trữ trong kho quá lâu. Trong khi đó tại huyện Đơn Dương, nơi trồng hành tây lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, dọc theo quốc lộ 27 hành tây hư hỏng bị người dân đổ thành đống lớn.
Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể thiệt hại từ cơ quan chức năng nhưng theo ghi nhận, toàn tỉnh Lâm Đồng số hành tây đổ bỏ vì nhà vườn tích trữ lâu do giá quá rẻ dẫn đến hư hỏng đã lên tới hàng trăm tấn.
Ông Nguyễn Quang Thuận, chủ tịch Hội Nông dân P.7, cho biết trong vụ đông xuân vừa qua, thống kê riêng tại khu vực Đất Mới có khoảng 200ha hành, tương đương 2.000 tấn hành củ thương phẩm.
Tuy nhiên, năm nay giá hành từ đầu vụ xuống rất thấp nên phần lớn người dân thu hoạch cho vào kho trữ chờ giá lên. Do gặp thời tiết bất lợi ngay từ lúc mới thu hoạch nên hành mới trữ được hai tháng thì bị thối hoặc lên mầm.
Theo ông Thuận, nguyên nhân khiến giá hành tây xuống thấp trong hai năm qua, nhất là niên vụ này, là do người dân đổ xô trồng hành tây quá nhiều. Không riêng gì Đà Lạt mà các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, người dân cũng trồng với diện tích rất lớn dẫn đến cung vượt quá cầu, chưa kể có những thời điểm hành của Trung Quốc tràn vào.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết trong tất cả cây trồng tại Đà Lạt, hành tây và khoai tây có thể trữ vào kho được 3 - 4 tháng nếu giá bán tại thời điểm được thu hoạch không thuận lợi. Do đó, dù không mặn mà nhưng người dân vẫn chọn hành tây để trồng vào vụ đông xuân.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, mặc dù giá hạt tiêu đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng người trồng tiêu và kinh doanh mặt hàng này không vui.

Niên vụ mía năm 2015 - 2016, UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty Mía đường Trà Vinh xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) đối với cây mía tại ấp Long Hưng, có 28 hộ tham gia với diện tích 21,9ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích trồng khoai mỳ (gần 8.000 ha), tuy nhiên sản phẩm khoai mỳ năm nay có giá thấp. Cụ thể, giá khoai mỳ xắt lát phơi khô trong tháng 2 -2015 còn 3.700 đồng/kg, giảm 1.300 đồng/kg so với tháng 1-2015.

Theo nông dân một số nơi trong tỉnh, từ trước Tết Ất Mùi đến nay, thời tiết khô nóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài dịch hại phát sinh, lây lan trên cây trồng. Trong đó nhiều diện tích mì bị nhện đỏ tấn công gây thiệt hại nặng nề.

Mô hình này được triển khai khảo nghiệm tại huyện Mường Khương và Bắc Hà (Lào Cai), bắt đầu từ tháng 3/2015.