Hành lá hút hàng

Là xã cù lao của huyện Châu Phú (An Giang), người dân Khánh Hòa và Bình Thủy có truyền thống gần 40 năm trồng hành, hẹ. Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng hành ở huyện Châu Phú thu hoạch trong không khí được mùa, được giá...
Giá bán dao động theo từng thời điểm, từ 8.000 lên 10.000 rồi tăng 12.000đ/kg (cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước) và giá bán hành lá tại các chợ hiện đang ở mức 16.000đ/kg.
Nguyên nhân do thị trường hút hàng, nhất là thị trường Campuchia đang tiêu thụ rất mạnh, nên đẩy giá lên cao, lợi nhuận mỗi ha một vụ thu khoảng 150 triệu đồng.
Về xã Khánh Hòa, một trong những xã có vùng màu trọng điểm của huyện, với diện tích lên đến hàng trăm ha.
Dọc theo con đường bê tông về ấp Khánh Phát và ấp Khánh Bình, những cánh đồng hành đang xanh rờn, nông dân đã và đang thu hoạch từng ruộng. Dường như, niềm vui cây hành được mùa, được giá khiến bà con không còn thấy mệt mỏi dưới cái nắng chói chang.
Như bao gia đình nông dân ở đây, bà Nguyễn Thị Bền, ngụ ở ấp Khánh Bình phải thức từ 11 giờ đêm hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau, cùng với 4 nhân công nhổ hành và lặt lá, bó lại để 11 giờ trưa kịp giao cho các thương lái đến tận nhà thu mua.
Bà Bền phấn khởi cho biết: “Năm nay hành được mùa, được giá nên người trồng hành đều có mức thu nhập cao. Gia đình tôi trồng 4 công, vừa thu hoạch năng suất đạt 3 tấn/công, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 10.000đ/kg, trừ hết chi phí vụ hành này còn lời hơn 60 triệu đồng”.
Bà Bền còn cho biết thêm: So với cây lúa thì trồng hành có lãi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, không phải trồng hành vụ nào cũng trúng mùa, trúng giá như vụ này. Mấy năm trước hành có lúc rớt giá chỉ còn 3.000 đến 4.000đ/kg, nên người dân bị thua lỗ.
Năm 2014, giá hành từ 6.000 - 7.000đ/kg, nên cũng không có lãi mấy. Nếu hành giữ được giá như hiện nay thì nông dân ở đây sẽ tiếp tục trồng hành.
Cùng ngụ ấp Khánh Bình, ông Hồ Phước Nhanh đã chuyển 1 công trong 7 công đất lúa sang trồng hành. Năm nay là năm thứ 3 ông trồng hành lá. Vụ hành này đã được 40 ngày, đang chuẩn bị thu hoạch, với giá 12.000đ/kg, ông rất phấn khởi. Ông Nhanh thổ lộ: “Vụ này, năng suất không dưới 3 tấn/công, giá lại cao, trừ tất cả chi phí gia đình tôi sẽ có lãi từ 15 triệu đồng/công trở lên”.
Ông Trần Văn Tùng – Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: Trong những năm gần đây, mô hình trồng hành đã đem lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân địa phương nhờ đó mà có cuộc sống khấm khá, người làm thuê cũng có công ăn việc làm thường xuyên.
Hiện toàn xã có từ 25 đến 27ha hành. Song xã vẫn khuyến cáo bà con không nên vì hành có giá cao mà mở rộng diện tích. Đây là cách để góp phần giữ giá hành ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Hoàng Tuấn – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú nói: “Hành là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, thương lái đến thu mua tại nhà nên bà con rất phấn khởi. Toàn huyện hiện có 70 ha hành lá, tập trung ở hai xã Khánh Hòa và Bình Thủy.
Từ đầu năm tới nay, hành lá hút hàng, giá cao hơn so với năm trước, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, huyện vẫn khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, mà nên lựa chọn những hoa màu thị trường cần, như vậy mới tránh được rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh công bố chính sách thu mua mía vụ 2015 - 2016. Theo đó, giá thu mua mía cơ bản từ đầu đến cuối vụ chế biến là 900.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng, trên xe vận chuyển.

Diện tích hồ tiêu khó kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, Tiến sĩ Nguyễn Quang Chơn-Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học-Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam đã có một số khuyến cáo với ngành hồ tiêu và người trồng hồ tiêu.
Đến thời điểm này toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 đơn vị tham gia đánh giá chứng nhận cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ Centified với 20.056 nông hộ, tổng diện tích là 25.896 ha (chiếm gần 13% diện tích cà phê toàn tỉnh), sản lượng đạt khoảng 88.474 tấn.
Theo Ban Quản lý Dự án cánh đồng mẫu lớn (CĐML), từ năm 2011 - 2015, hơn 550ha lúa sản xuất theo CĐML ở xã Tân Long (Mang Thít - Vĩnh Long) đã đóng góp lợi nhuận cho nông dân tham gia trên 100 tỷ đồng.

Mặc dù đang trong thời điểm nước lũ từ các sông thượng nguồn đổ về nhưng hiện nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang đã vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa Đông xuân sớm năm 2015 - 2016 được hơn 5ha; trong 3 - 4 ngày tới, diện tích sẽ tăng lên khoảng 15ha.