Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hành Động Để Cứu Cá Tra

Hành Động Để Cứu Cá Tra
Ngày đăng: 08/09/2014

Nửa đầu năm 2014, ngành cá tra vẫn chưa thoát khó, kim ngạch xuất khẩu giảm 3% so cùng kỳ năm trước; giá cá nguyên liệu hiện nay vẫn dưới giá thành nên người nuôi lỗ nặng. Nhiều đề xuất đưa ra để cứu cá tra.

Áp dụng giá sàn

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng khó khăn hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều nhà xuất khẩu. Lợi dụng thông lệ mua cá nguyên liệu của nông dân nợ 30 ngày mới trả tiền, một số nhà xuất khẩu cá tra không có vốn, không có nhà máy, hoạt động bằng cách chiếm dụng vốn người nuôi.

Họ hạ giá bán để lấy được đơn hàng từ nước ngoài; sau đó, mua cá nguyên liệu cao hơn thị trường, bắt cá của nông dân đem thuê nhà máy gia công xuất khẩu. Xuất khẩu xong tiền trả nhỏ giọt cho nông dân cả năm mới xong, có khi không trả.

Kiểu cạnh tranh này đã khiến các nhà xuất khẩu có nhà máy chế biến “chịu không nổi” vì phải bỏ vốn xây dựng nhà máy, phải trả lương công nhân nên giá thành trong sản xuất lúc nào cũng cao hơn, dẫn tới phải bán lỗ để tồn tại.

Theo ông Vàng, để giảm tình trạng các nhà xuất khẩu không có nhà máy chế biến có thể thao túng thị trường thì cần sớm thực thi việc quy định giá sàn mua nguyên liệu trong Nghị định 36/CP.

Quy hoạch phải đi trước

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thừa nhận vấn đề quy hoạch “rất phức tạp”, nhất là phải kế thừa những quy hoạch duy ý chí trước đây (như nuôi cá tra đến năm 2015 hơn 11.000 ha, nay dự kiến không đến một nửa). Dù vậy, theo TS Tùng, để cứu cá tra thì quy hoạch phải đi trước, xác định những vùng nuôi tối ưu để khai thác có hiệu quả tiềm năng.

Tổng cục Thủy sản “Đề nghị UBND các tỉnh vùng ĐBSCL khẩn trương tổ chức việc rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Quy hoạch tổng thể nuôi, chế biến cá tra và quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL”. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ (kênh thủy lợi đầu mối, đê bao, đường giao thông, hệ thống cấp điện, khu xử lý nước thải...).

Chủ trương của Nhà nước hiện nay là khuyến khích tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến, tiêu thụ, để tiết kiệm chi phí, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa các bên tham gia, tạo sự bền vững lâu dài. Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, cần phải tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác theo đặc thù từng khu vực, tốt nhất là theo vùng nuôi tập trung có chung hệ thống cấp thoát nước và cơ sở hạ tầng.

Công nghệ và tín dụng

Cá tra bị dịch bệnh ngày càng nhiều, làm giảm chất lượng và đang trở thành một yếu tố cản trở xuất khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra khá lớn, tới 20 - 55% ở nhiều cơ sở, do sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, thả ương mật độ cao dẫn đến sử dụng kháng sinh, thuốc hóa chất liều cao.

Chất lượng cá không đảm bảo cùng với ảnh hưởng của Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014, một số doanh nghiệp đã tạm ngừng xuất vào Mỹ. Hiện giá bán cá vào các thị trường khác ở mức 2,5 - 2,65 (FOB) tùy theo chất lượng sản phẩm (tăng trọng nhiều hay ít). Loại không tăng trọng khoảng 3,5 - 3,6 USD/kg (FOB).

Bộ NN&PTNT khuyến khích tiếp tục đẩy mạnh chương trình chọn giống theo hướng tăng trưởng, kháng bệnh, nâng cao chất lượng fillet; khuyến khích áp dụng VietGAP, GAP, BMP để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Chính sách tín dụng vẫn là nỗi bức xúc của người nuôi và doanh nghiệp, rất cần được tháo gỡ tiếp. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ưu tiên vốn lãi suất thấp để thúc đẩy phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) được chính quyền hỗ trợ xây dựng chuỗi khép kín từ nuôi đến chế biến xuất khẩu và VietinBank Đồng Tháp đã cho vay 1.407 tỷ đồng, gồm vốn ngắn hạn lãi suất 7%/năm, trung hạn 10%, dài hạn 10,5%. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Trần Văn Hùng cho biết, một chu trình khép kín từ cung cấp thức ăn, nuôi đến chế biến xuất khẩu kéo dài 12 - 13 tháng (có khi 15 tháng) nhưng ngân hàng chỉ cho vay vốn tối đa 12 tháng.


Có thể bạn quan tâm

Ngành Chăn Nuôi Lại Lao Đao Ngành Chăn Nuôi Lại Lao Đao

Trên thị trường giá thực phẩm tiếp tục giảm, trong khi giá "đầu vào" vẫn tăng, khiến cho các hộ chăn nuôi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.

27/03/2013
Sản Xuất Cá Lăng Chấm Bằng Phương Pháp Nhân Tạo Ở Tuyên Quang Sản Xuất Cá Lăng Chấm Bằng Phương Pháp Nhân Tạo Ở Tuyên Quang

Thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo,” Chi cục Thủy sản Tuyên Quang vừa nghiên cứu và cho đẻ thành công cá lăng chấm giống bằng phương pháp này trên quy mô 63 cá lăng chấm bố mẹ.

06/05/2013
Cơ Hội Cho Tôm Chân Trắng Ở Khánh Hòa Cơ Hội Cho Tôm Chân Trắng Ở Khánh Hòa

Năm 2013, nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng trên thị trường thế giới sẽ chiếm khoảng 2/3 sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cả người nuôi tôm chân trắng.

28/03/2013
Chuyển Giao Vịt Giống Cho Nông Dân Ở Trà Vinh Chuyển Giao Vịt Giống Cho Nông Dân Ở Trà Vinh

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Trà Vinh vừa chuyển giao 6.850 con vịt giống (01 ngày tuổi, giống vịt Triết Giang) cho 18 hộ nông dân trên địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè thực hiện mô hình trình diễn chăn nuôi vịt đẻ hướng trứng áp dụng phương pháp an toàn sinh học.

07/05/2013
“Vỡ Mộng” Chăn Nuôi Tập Trung “Vỡ Mộng” Chăn Nuôi Tập Trung

Năm 2009, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm 11 khu chăn nuôi tập trung (CNTT) và năm 2010, bổ sung 26 khu tại các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Lập Thạch... Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 4 khu hoạt động, song cũng rất èo uột, gây lãng phí đất đai, tiền của.

19/08/2013