Hàng trăm ha lúa lép hạt, nông dân Thanh Hóa thiệt hại nặng nề

Bông lúa vẫn ra đầy đủ hạt, song hạt lép, không có nhân.
Tuy đang vào vụ thu hoạch, song trên nhiều cánh đồng của các làng: Bèo, Xuân Áng, Đồng Thợi, Đông Môn… của xã Vĩnh Long khá trầm lắng. Thay vì tiếng máy gặt đập liên hợp rộn ràng, tiếng nói cười nhộn nhịp của những nông dân như các xã bên cạnh, những khu đồng ở đây chỉ lèo tèo vài người đi cắt lúa về…cho trâu, bò ăn.
Bà Trần Thị Phượng, làng Bèo, xã Vĩnh Long cắt lúa lép cho bò ăn.
Làng Bèo trong xã bị thiệt hại năng nề nhất với 83,73 ha lúa bị lép hạt. Nhiều gia đình càng đông nhân khẩu, diện tích trồng lúa càng lớn, càng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Một số hộ còn đi thuê ruộng, đầu tư hàng chục triệu đồng, nay lâm cảnh khó khăn, điển hình như các hộ: ông Nguyễn Văn Hải, thôn 3 có tới 2 ha lúa, bà Vũ Thị Hằng ở thôn 1 với 3 ha. Được biết, làng Bèo gồm 3 thôn với tổng số khoảng 650 hộ nhưng đã có 2/3 số hộ bị mất mùa.
Mỗi ngày hai lần, Ông Đăng ra đồng cắt lúa lép làm thức ăn cho trâu, bò.
Theo chân một số nông dân trong thôn, chúng tôi có dịp khảo sát trên nhiều cánh đồng, như: Cổ Ngựa, Đồng Trại, Kho Bể, Kho Bến…, nơi nào cũng có những khu ruộng với bông lúa thẳng đứng. Bông lúa vẫn ra đầy đủ hạt, song cơ bản bị lép, không có nhân. Ông Đinh Trọng Đăng cho biết: Gia đình tôi mất gọn 1 ha, tổng đầu tư từ đầu vụ đến giờ đã hơn 7 triệu đồng.
Theo ông Trịnh Xuân Xứng: Đầu tư cho một sào lúa từ đầu vụ đến nay hết 150.000 đồng giống (3 kg), 250.000 đồng thuê cày bừa, 510.000 đồng thuê 3 công cấy, 100.000 đồng phân đạm, 170.000 đồng lân, 200.000 đồng kali, 100.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật… Tổng chi phí mỗi sào lúa đến thời điểm hiện tại đã lên hơn 1,2 triệu đồng, đó là chưa tính việc nhiều gia đình vẫn phải thuê máy cắt lúa để giải phóng đất gieo trồng vụ đông.
Được biết, toàn xã Vĩnh Long có 672,11 ha lúa mùa, song đã có 249,57 ha lúa bị lép hạt, trong đó 116,26 ha mất từ 30 - 50% năng suất, 58,77 ha mất từ 50 - 70% năng suất, diện tích còn lại là thất thu từ 70% đến mất trắng.
2/3 số hộ dân tại làng Cầu Mư đều thất thu vụ lúa mùa.
Ông Vũ Đình Viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, khẳng định, nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu là do tình trạng hạn hán. Thời gian đổ ải đã thiếu nước, sau đó lại nắng nóng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa trỗ, lại gặp đúng đợt nắng hạn gay gắt làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn.
Được biết, xã Vĩnh Long đã chỉ đạo bà con phải tiến hành làm đất, gieo trồng cây vụ Đông ngay sau khi cắt rạ. Cách đây vài ngày, xã cũng đã họp Ban Thường vụ Đảng ủy, thống nhất hỗ trợ các hộ dân trồng mỗi ha cây ngô vụ đông 1 triệu đồng, tương đương tiền mua giống.
UBND xã cũng đã thuê máy làm đất công suất lớn về hỗ trợ bà con nhanh chóng giải phóng đất trồng cây vụ đông. Đến hết ngày 15 - 9, đã có 80 ha cây màu vụ đông được gieo trồng.
Biểu đồ thống kê diện tích lúa bị thiệt hại vụ mùa 2015 trên địa bàn xã Vĩnh Long.
Có thể bạn quan tâm

Lo sợ rau quả và thực phẩm nhiễm bẩn, vợ chồng anh Chính, chị Thu ở phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) hơn 2 năm nay tự trồng rau, nuôi gà trên nóc nhà của gia đình mình.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/10/2015.

Những năm gần đây, nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Khe Lời (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương...

Tháng 3-2014, từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, 20 hộ dân ở xã Sông Khoai (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn tham gia dự án “Mở rộng mô hình nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp”. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Kiên Giang để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.