Hàng Nghìn Tỷ Đồng Xây 6 Trung Tâm Hậu Cần Nghề Cá

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố xây 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại gắn với các ngư trường trọng điểm, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với ngư trường trọng điểm ở nhiều vùng miền trong cả nước.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hy vọng, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ra đời sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản góp phần tăng thu nhập đánh kể cho bà con ngư dân. Ảnh: Trí Tín.
Trong đó trung tâm hậu cần nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ, Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ, Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Tám, Bộ đang hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, chọn các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm thiết kế chi tiết các trung tâm hậu cần nghề cá hội đủ điều kiện quy mô cảng cá loại 1 có khả năng phát triển cảng cá quốc tế đáp ứng nhu cầu xuất, nhập thủy sản. Hạ tầng nghề cá phải đầu tư đồng bộ với các dịch vụ gồm thương mại, tín dụng, đá lạnh, xăng dầu, gas, ngư lưới cụ, máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động tàu cá xa bờ. Trung tâm này phải đảm bảo chế biến thủy sản với công nghệ hiện đại gắn kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở đào tạo kỹ thuật cho ngư dân...
Từ nay đến 2015, Bộ sẽ tập trung kêu gọi đầu tư thí điểm trung tâm hậu cần nghề cá quy mô lớn tầm quốc gia tại khu vực miền Trung gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Duyên hải miền Trung là vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa với nguồn lợi hải sản phong phú. Toàn vùng hiện có hơn 46.000 tàu thuyền và 200.000 lao động khai thác thủy sản, 132 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải miền Trung năm 2013 đạt gần 700 triệu USD, tuy nhiên hiện tại ngành thủy sản ở khu vực này còn nhiều bất cập, phần lớn tàu thuyền khai thác là công suất nhỏ, công nghệ bảo quản sau khai thác còn hạn chế, đội ngũ lao động trực tiếp trên biển chưa được đào tạo, lĩnh vực chế biến công nghiệp chưa đạt chất lượng tốt so với các nước khác.
"Nguồn vốn xây dựng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Nhà nước sẽ đầu tư các hạng mục cảng cá, nạo vét luồng lạch, cơ sở hạ tầng thiết yếu..., đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ứng vốn đầu tư, kinh doanh", ông Tám cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua ở Hà Nội, thời tiết nắng nóng kéo dài đan xen những trận mưa khiến cho việc sản xuất rau của người dân các vùng rau ngoại thành gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, giá rau lên xuống thất thường và giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nên thu nhập của người trồng rau giảm rõ rệt.

Anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.

27 tuổi là ông vua của một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Yên, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đó là anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một người như thế.

Ngư dân không bám biển thì không có cá, tôm không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân; tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa đến được ngư dân. Không được tiếp sức kịp thời, hiệu quả khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất, ngư dân ngày càng đuối sức, khai thác thủy sản Hải Phòng vì thế ngày càng tụt hậu.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia súc bị bơm nước.