Hàng ngàn ha mì bị thiệt hại

Vụ mì năm nay trên địa bàn huyện Krông Pa trồng hơn 12.000 ha. Tuy nhiên, theo ước tính, có đến hàng ngàn ha mì bị các loại sâu bệnh hại tập trung ở thị trấn Phú Túc, các xã: Ia Mlah, Chư Gu, Ia Rmok, Ia Rsai và Ia Rsươm. Ia Rsai là một trong những xã bị thiệt hại nặng nhất với hơn 670 ha mì bị hạn và sâu bệnh hại.
Năm nay, gia đình chị Thái Thị Lan (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai) trồng gần 30 ha mì. Những ngày qua, gần 20 ha mì của gia đình chị đang lên mầm bỗng dưng héo rũ. Theo chị Lan thì căn bệnh này trên cây mì chỉ mới xuất hiện nên gia đình chị rất bối rối, không biết phải xử lý thế nào. Sau nhiều lần tự mua thuốc phun mà cây vẫn héo rũ rồi chết, gia đình chị mới báo với chính quyền và trực tiếp mang mẫu cây bệnh lên Trạm Bảo vệ Thực vật huyện nhờ hướng dẫn và mua thuốc về điều trị. Sau khi phun thuốc phần lớn diện tích mì của gia đình chị đã được cứu sống.
Gia đình ông Ksor Blen, ở buôn H’Mung (xã Chư Drăng) có hơn 1 ha mì bị bệnh cũng đang loay hoay tìm giải pháp chữa trị. Ông Ksor Blen cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 3 ha mì, nhưng đến thời điểm này đã có hơn 1 ha bị bệnh. Gần một tháng trước đây, đám mì của nhà tôi sinh trưởng rất tốt, do tôi đầu tư mua máy bơm về để tưới chống hạn. Nhưng nay trời đã có mưa nên không còn phải tưới nữa thì mì lại bị hiện tượng như thế này, bao nhiêu công sức của gia đình coi như đã mất hết. Hiện tượng bị chết như thế này đến giờ tôi vẫn không biết nguyên nhân và cách phòng trừ. Không riêng gì gia đình nhà tôi mà diện tích trồng mì của rất nhiều hộ khác cũng bị hiện tượng như thế.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những cây mì đã chết do thối gốc, thì những cây mì còn rất xanh nhưng chỉ một vài lá có biểu hiện hơi chuyển màu, khi được nhổ lên đều có hiện tượng lốm đốm ở gốc, đó là biểu hiện của sự bắt đầu nhiễm bệnh. Được biết, đây là bệnh lở cổ rễ và nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài cộng thêm khi trồng bà con lấp quá sâu. Bệnh này có khả năng phòng trừ được nếu phát hiện sớm để phun thuốc kịp thời.
Đối với diện tích mì chính vụ thường bị mắc các bệnh như lở cổ rễ, bệnh sinh lý nếu không kịp thời phát hiện và không trị thì cây chết sau vài ngày mang bệnh. Còn đối với diện tích mì trồng rải vụ thì dễ gặp bệnh rệp sáp, nhện đỏ. Cây mì mắc bệnh này không chết ngay mà chậm phát triển, mất chất dinh dưỡng và giảm mạnh hàm lượng tinh bột trong củ. Ông Siu Blít-cán bộ Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa cho biết: Nguyên nhân xuất hiện sâu bệnh hại là do diễn biến thời tiết khác thường, nắng hạn kéo dài và xuất hiện mưa dông làm chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm nên các loại cây trồng xuất hiện một số bệnh hại. Trên cây mì hiện nay nhiễm các loại bệnh lở cổ rễ, bệnh sinh lý và bệnh do nhện đỏ.
Bên cạnh đó, do người dân lấy các loại giống không đảm bảo chất lượng. Khi phát hiện bệnh, người dân cần phải báo kịp thời với xã, Trạm Bảo vệ Thực vật để cơ quan chuyên môn hướng dẫn, không nên tự ý mua thuốc về phun điều trị có khi bệnh không khỏi mà nặng thêm.
Có thể bạn quan tâm

Phú Yên là tỉnh có tiềm năng NTTS rất lớn, nhất là nuôi tôm sú, tôm hùm... Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn, thú y thủy sản vào cuộc thì "việc đã rồi". Do trình độ chuyên môn hạn chế nên công tác phòng chống dịch bệnh như "ném đá ao bèo".

Như NNVN từng phản ánh, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 đã hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng mà chỉ quyết tâm khôi phục diện tích cao su bị chết, nhưng sự đương đầu này quá mạo hiểm.

Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.