Hàng ngàn ha cây trồng bị hạn

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài đã làm hàng ngàn ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) bị hạn. Hiện một số cây trồng như lúa, bắp, mì… của người dân đang bị khô héo từng ngày vì thiếu nước. Trong thời gian tới nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ đại hạn và vụ mùa trắng tay là điều rất khó tránh khỏi.
Vụ mùa 2015, toàn huyện Kbang đã gieo trồng được hơn 25.357 ha cây trồng các loại (đạt 94,5% kế hoạch). Cụ thể, cây lúa nước 1.119 ha, lúa cạn 951 ha, bắp lai 4.691 ha, mì 2.102 ha, đậu các loại 2.165 ha, rau các loại 624 ha, cây công nghiệp dài ngày 3.620 ha và một số cây trồng khác...
Sau những cơn mưa đầu mùa, nông dân trên địa bàn tích cực xuống giống, song nắng nóng kéo dài, nguồn nước các hồ đập xuống thấp, các suối cạn kiệt… làm cho nhiều diện tích cây trồng thiếu nước, bị hạn và giảm năng suất 30 - 70%, thậm chí mất trắng.
Theo báo cáo mới nhất của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có hơn 1.694 ha cây trồng các loại của 1.559 hộ bị hạn, ước thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng. Diện tích bị hạn tập trung nhiều ở các xã Lơ Ku: 411 ha, Đông 219 ha, Đak Smar 312 ha, Nghĩa An 43,9 ha, Tơ Tung 159 ha và thị trấn Kbang 548 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại cây trồng cạn và phụ thuộc vào nước trời, như bắp lai, đậu các loại và mì.
Nhìn những cánh đồng bắp lai thấp tè mà đã trổ cờ, phát triển còi cọc, không có khả năng ra trái và thụ phấn hay những diện tích đậu các loại mọc không đều mà không khỏi xót xa cho người dân một nắng, hai sương. Gia đình bà Nguyễn Thị Mai-thôn 5, xã Đông, trồng trên 20 ký đậu xanh và bắp giống.
Do không có mưa, đậu mọc không nổi, còn bắp thì không trổ cờ. Bà Mai cho biết: “Năm nay, thời tiết nắng hạn, dân chúng tôi trỉa bắp, đậu, giờ coi như mất trắng. Gia đình trồng được hơn 1,5 ha đậu xanh nhưng chỉ thu được 2 tạ. Giờ cũng chỉ biết chờ mưa xuống rồi trồng lại đậu và bắp lai vụ 2”. Ở khu vực Tây sông Ba, như gia đình bà Mai, ông Trần Quý Đông, thôn 8, xã Đông cho biết: “Nắng cả tháng nay lại rơi vào thời điểm cây bắp trổ cờ khiến bắp bị héo khô, nhiều diện tích đã phải cắt cho bò ăn”. Theo số liệu thống kê, xã Đông có hơn 296 ha bắp lai và đậu bị thiệt hại trên 70%.
Tình hình khô hạn, thiếu nước tưới làm cho chính quyền các địa phương không khỏi lo lắng. Đậu xanh, bắp giá đã thấp, bây giờ đến vụ mùa lại bị nắng hạn làm hàng ngàn ha cây trồng giảm năng suất và nguy cơ mất mùa. Thực tế đó đã tạo nhiều áp lực địa phương trong việc đảm bảo đời sống người dân.
Nếu tiếp tục không có mưa, diện tích cây trồng trên địa bàn huyện sẽ còn thiệt hại nhiều hơn. Hiện chính quyền địa phương đã vận động bà con tiết kiệm nước, điều tiết nước tưới, nạo vét kênh mương…
Ông Nguyễn Hữu Chiêu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Từ đầu vụ đến nay trên địa bàn huyện hầu như không có mưa nên nguồn nước tự nhiên giảm mạnh, mực nước tại các ao, hồ ở các xã đều xuống thấp, như hồ thủy lợi Gu Ga (xã Kông Lơng Khơng), hồ Đak Răng (xã Lơ Ku), hồ Mơ Trai (xã Krong), hồ Buôn Lưới (xã Sơ Pai) làm ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là cây lúa nước.
Cây trồng cạn hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời nên thiệt hại rất lớn. Cơ quan chuyên môn liên tục kiểm tra tình hình, đánh giá mức độ thiệt hại để có phương án đề xuất hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất vụ 2 và khôi phục lại trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016.
Tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có hơn 1.694 ha cây trồng các loại của 1.559 hộ bị hạn, ước thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng. Diện tích bị hạn tập trung nhiều ở các xã Lơ Ku: 411 ha, Đông 219 ha, Đak Smar 312 ha, Nghĩa An 43,9 ha, Tơ Tung 159 ha và thị trấn Kbang 548 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại cây trồng cạn và phụ thuộc vào nước trời, như bắp lai, đậu các loại và mì.
Có thể bạn quan tâm

UBND TP Đà Lạt cho biết vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng và UBND các phường, xã trên địa bàn TP về việc “Tăng cường triển khai công tác bảo vệ thực vật đối với sản xuất rau, chè an toàn trên địa bàn thành phố Đà Lạt”.

Từ nhà nông trở thành nhà doanh nghiệp, trong 25 năm qua, anh Nguyễn Hồng Phong (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đúc kết 3 cách làm ăn mới để ổn định và phát triển trong thị trường nông sản cạnh tranh gồm: sản xuất an toàn, sản xuất khép kín và sản xuất liên kết.

Cuối tuần trước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức hội thảo về phân bón tại TP. Hồ Chí Minh. Vấn đề nhức nhối được nhiều đại biểu đề cập là chất lượng phân bón và việc sử dụng không đúng cách gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Bệnh trắng lá mía phát triển và gây hại trên hàng trăm ha mía tại các huyện Đông Nam tỉnh Gia Lai ngay từ thời điểm đầu vụ đã và đang là mối lo của nhiều người trồng mía. Nguy cơ lây lan nhanh và rộng, lại chưa có thuốc đặc trị khiến công tác phòng-chống đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành nông nghiệp địa phương trong điều kiện thời tiết liên tục diễn biến thất thường như hiện nay.

Hơn 30ha mía nằm trong vuông bơm nước tập trung ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã được người dân nơi đây bán mía chục và cân ký cho thương lái gần hết diện tích.