Hàng chục nghìn hội viên hưởng lợi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011- 2015”.
Hội nghị do Hội ND TP.HCM tổ chức ngày 12.11.
Công cụ hữu hiệu để Hội ND đổi mới
Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết, Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý để ngân sách địa phương bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hiện, tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đạt gần 112 tỷ đồng.
5 năm qua, bình quân mỗi năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố giúp 3.258 hộ hội viên, ND vay vốn phát triển sản xuất.
Tỷ lệ giải ngân bình quân hàng năm đạt trên 98% nguồn vốn.
Hiện, tổng dư nợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố là gần 102 tỷ đồng với 4.575 hộ đang vay.
Ông Võ Văn Lê – Chi hội trưởng chi hội ND ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn (Hóc Môn) cho biết, nhờ vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân mà các hội viên của chi hội đã vươn lên khá giả, thoát nghèo bền vững.
“Hiện 52 hộ trong chi hội đang vay 1,2 tỷ đồng để chăn nuôi bò sữa, heo… cho hiệu quả kinh tế cao”- ông Lê cho hay.
Tham luận của Hội ND huyện, Hội ND cơ sở, chi hội tại hội nghị đều khẳng định, Quỹ Hỗ trợ nông dân là công cụ hữu hiệu để Hội ND các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tham gia có hiệu quả vào chương trình xây dựng NTM.
Quản lý tốt nguồn vốn
"Để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, trong giai đoạn 2016 – 2020, Hội ND thành phố đã xây dựng đề án trình Thành ủy, UBND thành phố cho chủ trương cấp ngân sách bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nay đến năm 2020 là 300 tỷ đồng.
Hiện, Hội ND thành phố đã trình UBND thành phố nâng mức vay lên tối đa 50 triệu đồng/hộ”. Ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM
Qua theo dõi, về quy mô, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP.HCM hiện đứng thứ 2 trong cả nước (sau TP.Hà Nội).
Tuy nhiên, Hội ND TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước đưa phần mềm tín dụng và kế toán vào quản lý nguồn quỹ.
Các cấp Hội ND từ thành phố cho đến quận, huyện đều được lắp đặt máy vi tính để thực hiện công việc này.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, 5 năm qua, các cấp Hội ND thành phố đã quản lý chặt chẽ, tổ chức giải ngân tiền vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đúng đối tượng, đúng mục đích và nhu cầu của ND.
Nhờ vậy, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng chục nghìn hộ hội viên, ND phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đánh giá cao những kết quả mà Quỹ Hỗ trợ nông dân TP.HCM đã đạt được trong 5 năm qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Lại Xuân Môn yêu cầu, Hội ND thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân;
Triển khai mạnh mẽ việc phát triển nguồn quỹ; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hội được phân công quản lý quỹ…
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7/8/2014 Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc Tổng thống Obama trực tiếp chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force)

Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.

Để duy trì và phát triển đàn gia súc có sừng trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài, ngoài việc tìm nguồn thức ăn, nước uống, các hộ chăn nuôi ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động chuyển đổi diện tích đất không chủ động nước sang trồng cỏ.

Cơ sở sản xuất nền tổ ong nhân tạo (còn gọi là cán chân tầng cho tổ ong)ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất tổ sáp ong nhân tạo tại Đồng Nai. Cơ sở được thành lập ngay vùng nuôi ong mật của Đồng Nai, cùng hưng thịnh với nghề này suốt hơn 30 năm qua.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Tiên Du (Bắc Ninh) quy hoạch và chuyển đổi 295,5 ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Tại đây, các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư lớn cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xuất hiện nhiều mô hình trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.