Hàm Yên (Tuyên Quang) Phát Triển Nuôi Thủy Sản

Khai thác lợi thế có diện tích ao, hồ lớn, những năm qua, phong trào nuôi thủy sản của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) khá phát triển. Các xã, thị trấn có diện tích ao, hồ lớn đã khai thác tốt để nuôi cá, như: Thị trấn Tân Yên, các xã Tân Thành, Thái Hòa, Yên Thuận…
Nhiều năm trở lại đây, phong trào nuôi cá ở Tân Thành đã phát triển mạnh. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 109 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích trên 43 ha.
Bên cạnh việc đào ao thả cá, người dân Tân Thành còn tận dụng diện tích mặt nước của dòng sông, các đầm nước lớn để nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi cá lồng là cách làm mới có ưu điểm hơn so với đào ao, chi phí ban đầu thấp, lồng cá có thể di chuyển vị trí để thay đổi môi trường giúp cá phát triển tốt.
Chi phí đóng mỗi chiếc lồng cá là khoảng 1 đến 1,2 triệu đồng có thể nuôi 100-120 con cá; lồng có thể dùng trong 5 năm với hiệu suất sử dụng 2 lứa cá/năm. Hiện toàn xã có 23 lồng cá đang phát triển có hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi năm cá được đánh bắt từ tự nhiên cũng lên tới 80-90 tạ mỗi năm. Với nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như phụ phẩm nông nghiệp là lá sắn, lá ngô... nên việc nuôi cá của bà con khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành cho biết: “Vài năm trở lại đây, chăn nuôi thủy sản đã góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong thời gian nông nhàn. Hiện nay, bình quân mỗi năm toàn xã bán ra thị trường trên 80 tấn cá thịt”.
Gia đình anh Tạ Văn Lâm, thôn 3 Tân Yên, xã Tân Thành, là một trong những hộ đi đầu của xã trong việc nuôi cá lồng trên sông. Năm 2003, từ những thử nghiệm ban đầu ở 5 lồng cá, đến nay anh đã gây dựng được 9 lồng cá với nhiều loại cá khác nhau như: Cá chiên, cá trắm, cá trôi...
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi nên những năm qua những lồng cá của gia đình anh luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Năm 2013, trừ các chi phí về giống cá, thức ăn, thuốc thì gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, nuôi thủy sản tại Hàm Yên ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, các hộ nuôi thủy sản đã chuyển từ phương thức quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Nhiều hộ nông dân đã thay đổi đối tượng nuôi, đó là giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi các giống thủy sản mới như: Rô phi đơn tính, cá chiên… cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện Hàm Yên hiện có 2.074 hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đa số các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Để đưa chăn nuôi thủy sản trở thành hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Hàm Yên tăng cường công tác tuyên truyền áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng và phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, mô hình cá lồng, ba ba…
Có thể bạn quan tâm

Vụ sản xuất mía đường 2015 - 2016 đã bắt đầu vào mùa, thế nhưng rất nhiều nhà máy tại các tỉnh trọng điểm về mía đường như Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang... đang như “ngồi trên đống lửa” vì không biết “bói” đâu ra nguyên liệu mía.

Việc trồng mới cao su cần nguồn vốn lớn, giá mủ rẻ, thời gian cho thu hoạch mất nhiều năm, nên người dân không còn mặn mà với cây cao su. Do vậy, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tạm dừng kế hoạch trồng mới cao su năm 2015.

Tại Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Trong cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết tại thời điểm vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), GS Võ Tòng Xuân dự báo, gạo Việt sẽ phải đối diện với viễn cảnh “màu xám”.

Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo suốt 26 năm, còn Campuchia chỉ bắt đầu xuất khẩu từ năm 2008. Nhưng 3 năm trở lại đây, gạo Campuchia đã trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với gạo Việt Nam.