Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hăm Hở Vào Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp

Hăm Hở Vào Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp
Ngày đăng: 12/01/2012

Đón xuân mới Nhâm Thìn cũng là thời điểm nông dân Đầm Dơi (Cà Mau) hăm hở bước vào vụ chính nuôi tôm công nghiệp. Năm qua, toàn huyện thu hoạch 35.000 tấn tôm thương phẩm. Nhiều hộ sau 1 vụ nuôi tôm thẻ khoảng 75 ngày, thu lãi vài trăm triệu đồng. Đây là một hấp lực lớn thúc đẩy phong trào nuôi tôm công nghiệp năm 2012 phát triển mạnh.

Anh Huỳnh Hoàng Lượng, ấp Tân Điền A, xã Tạ An Khương, phấn khởi: “Năm nay bà con xóm này ăn Tết lớn hơn mọi năm. Giá tôm thẻ chân trắng trên 100.000 đồng/kg, tôm sú giá 200.000 đồng/kg. Cả xóm có 25 hộ nuôi tôm với diện tích 30 ha, đa phần đều trúng mùa, được giá. Năm rồi nhà tôi nuôi 4 đầm, diện tích 1,4 ha, thu hoạch 3 vụ trên 33 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 1,5 tỷ đồng. Tôi vừa thả xong con giống và dự tính thuê xáng cuốc ủi thêm 2 đầm nữa”.

Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Đại Lợi, ấp Hòa Đức, xã Tân Đức, thành lập năm 2010, bước đầu có 20 hộ nuôi tôm trên diện tích 20 ha, năm nay tăng lên 45 hộ, diện tích 47 ha. Các thành viên trong tổ được tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tạo sự liên kết chặt chẽ “bốn nhà”. Vụ mùa vừa qua có 39 hộ nuôi thành công.

So với những năm trước khi mới bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, trình độ tay nghề của nông dân Đầm Dơi ngày nay tiến bộ rất nhiều. Phần lớn họ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học gắn với kinh nghiệm thực tiễn vào sản xuất. Dù trong điều kiện gặp khó khăn do dịch bệnh gan tụy, thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp, nhưng nhiều hộ đã vượt qua và thu được kết quả khả quan.

Năm 2011, toàn huyện có 70% số hộ nuôi tôm công nghiệp đạt kết quả. Những hộ nuôi đạt kết quả là những hộ đầu tư khá bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ cải tạo ao đầm đến xử lý nước bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn con giống, bảo đảm chất lượng cao và qua xét nghiệm. Khâu chăm sóc cũng bảo đảm nguồn nước, môi trường, chạy quạt tạo ô-xy tốt.

Khó khăn, thuận lợi đan xen

Đầu năm do thiếu xáng cuốc, nhiều hộ phơi khô ao đầm chờ hàng tháng trời mà không đào được đầm nuôi. Thế nên diện tích đào mới trên toàn huyện chỉ 650 ha.

Đến giữa năm xảy ra dịch bệnh gan tụy làm cho không ít hộ nuôi tôm lao đao, thất bát. Dù vậy, từ giữa năm về cuối, tôm nuôi phục hồi và cho kết quả khả quan. Nhờ vậy, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản năm 2011 của Đầm Dơi ước đạt trên 80.000 tấn, trong đó có 35.000 tấn tôm thương phẩm.

Kinh tế thủy sản không chỉ góp phần quan trọng nâng tổng sản phẩm GDP đạt trên 13%, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, mà còn nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng. Đời sống nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%

Sản xuất phát triển còn kéo theo lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt doanh thu cao. Nhờ đó, thu ngân sách huyện đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so kế hoạch. Thế mạnh từ nguồn lợi con tôm Đầm Dơi còn đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Qua đó, tạo nên nguồn lực, thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực này mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi Nguyễn Minh Luân khẳng định, năm 2012, huyện phấn đấu phát triển mới 650 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng 37.000 tấn tôm thương phẩm. Huyện xem đây là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng cũng như tạo thương hiệu cho con tôm Đầm Dơi.

Một mùa vụ mới lại bắt đầu. Từ cánh đồng này nối tiếp cánh đồng khác, dòng điện 3 pha đang kéo về cho những dàn quạt nước chạy rì rào trên những đầm tôm công nghiệp. Nông dân Đầm Dơi đang tràn đầy hy vọng một năm mới tiếp tục mang về những vụ mùa bội thu.

Năm 2011, tổng sản phẩm trong huyện (GDP) 3.666 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. GDP bình quân đầu người 20 triệu đồng, đạt 101,84%. Thu ngân sách 105 tỷ đồng, đạt 131,6% kế hoạch.

Tổng sản lượng thủy sản 82.800 tấn, đạt 100,3%, trong đó tôm 35.000 tấn. Hộ dân sử dụng điện đạt 87,78%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 17,80% giảm xuống còn 14,71%.

Theo đó, nghị quyết đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2012 tổng sản phẩm (GDP) 4.186 tỷ đồng. Mỗi xã, thị trấn xây dựng từ 3 - 5 km lộ bê-tông theo tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,7%.


Có thể bạn quan tâm

Đầu Tư Tiền Tỷ Làm Nhà... Nuôi Yến Đầu Tư Tiền Tỷ Làm Nhà... Nuôi Yến

Năm 2008, nghề nuôi yến chính thức xuất hiện, khi TP.Hồ Chí Minh thực hiện đề án thí điểm nhà nuôi yến tại xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ). Từ đó đến nay, hoạt động dẫn dụ yến phát triển rầm rộ.

18/06/2013
Người Nuôi Và Phát Triển Giống Gà Quý Người Nuôi Và Phát Triển Giống Gà Quý

Đó là anh Hoàng Văn Len ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình với mô hình nuôi gà 6 cựa cho hiệu quả kinh tế cao không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.

18/06/2013
Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống chè cành mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất trên đất vườn đồi để tăng thu nhập và nâng cao đời sống kinh tế.

18/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá – Lợn An Toàn Sinh Học Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá – Lợn An Toàn Sinh Học

Những năm gần đây, mô hình nuôi heo (lợn) kết hợp với thả cá đã không còn xa lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

18/06/2013
Cây Đu Đủ - Cây Trồng Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Huyện Cam Lâm Cây Đu Đủ - Cây Trồng Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Huyện Cam Lâm

Trong 2 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có khoảng 10 ha trồng đu đủ, trong đó xã Cam Hiệp Nam 6 ha, Cam Hiệp Bắc 2 ha và Cam Hòa 2 ha. Đu đủ là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác như mía, sắn (mỳ)… ở những chân đất cao thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới.

18/06/2013