Hăm Hở Vào Vụ Nuôi Tôm Công Nghiệp

Đón xuân mới Nhâm Thìn cũng là thời điểm nông dân Đầm Dơi (Cà Mau) hăm hở bước vào vụ chính nuôi tôm công nghiệp. Năm qua, toàn huyện thu hoạch 35.000 tấn tôm thương phẩm. Nhiều hộ sau 1 vụ nuôi tôm thẻ khoảng 75 ngày, thu lãi vài trăm triệu đồng. Đây là một hấp lực lớn thúc đẩy phong trào nuôi tôm công nghiệp năm 2012 phát triển mạnh.
Anh Huỳnh Hoàng Lượng, ấp Tân Điền A, xã Tạ An Khương, phấn khởi: “Năm nay bà con xóm này ăn Tết lớn hơn mọi năm. Giá tôm thẻ chân trắng trên 100.000 đồng/kg, tôm sú giá 200.000 đồng/kg. Cả xóm có 25 hộ nuôi tôm với diện tích 30 ha, đa phần đều trúng mùa, được giá. Năm rồi nhà tôi nuôi 4 đầm, diện tích 1,4 ha, thu hoạch 3 vụ trên 33 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 1,5 tỷ đồng. Tôi vừa thả xong con giống và dự tính thuê xáng cuốc ủi thêm 2 đầm nữa”.
Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Đại Lợi, ấp Hòa Đức, xã Tân Đức, thành lập năm 2010, bước đầu có 20 hộ nuôi tôm trên diện tích 20 ha, năm nay tăng lên 45 hộ, diện tích 47 ha. Các thành viên trong tổ được tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tạo sự liên kết chặt chẽ “bốn nhà”. Vụ mùa vừa qua có 39 hộ nuôi thành công.
So với những năm trước khi mới bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, trình độ tay nghề của nông dân Đầm Dơi ngày nay tiến bộ rất nhiều. Phần lớn họ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học gắn với kinh nghiệm thực tiễn vào sản xuất. Dù trong điều kiện gặp khó khăn do dịch bệnh gan tụy, thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp, nhưng nhiều hộ đã vượt qua và thu được kết quả khả quan.
Năm 2011, toàn huyện có 70% số hộ nuôi tôm công nghiệp đạt kết quả. Những hộ nuôi đạt kết quả là những hộ đầu tư khá bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ cải tạo ao đầm đến xử lý nước bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn con giống, bảo đảm chất lượng cao và qua xét nghiệm. Khâu chăm sóc cũng bảo đảm nguồn nước, môi trường, chạy quạt tạo ô-xy tốt.
Khó khăn, thuận lợi đan xen
Đầu năm do thiếu xáng cuốc, nhiều hộ phơi khô ao đầm chờ hàng tháng trời mà không đào được đầm nuôi. Thế nên diện tích đào mới trên toàn huyện chỉ 650 ha.
Đến giữa năm xảy ra dịch bệnh gan tụy làm cho không ít hộ nuôi tôm lao đao, thất bát. Dù vậy, từ giữa năm về cuối, tôm nuôi phục hồi và cho kết quả khả quan. Nhờ vậy, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản năm 2011 của Đầm Dơi ước đạt trên 80.000 tấn, trong đó có 35.000 tấn tôm thương phẩm.
Kinh tế thủy sản không chỉ góp phần quan trọng nâng tổng sản phẩm GDP đạt trên 13%, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, mà còn nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng. Đời sống nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%
Sản xuất phát triển còn kéo theo lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt doanh thu cao. Nhờ đó, thu ngân sách huyện đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so kế hoạch. Thế mạnh từ nguồn lợi con tôm Đầm Dơi còn đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Qua đó, tạo nên nguồn lực, thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực này mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi Nguyễn Minh Luân khẳng định, năm 2012, huyện phấn đấu phát triển mới 650 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng 37.000 tấn tôm thương phẩm. Huyện xem đây là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng cũng như tạo thương hiệu cho con tôm Đầm Dơi.
Một mùa vụ mới lại bắt đầu. Từ cánh đồng này nối tiếp cánh đồng khác, dòng điện 3 pha đang kéo về cho những dàn quạt nước chạy rì rào trên những đầm tôm công nghiệp. Nông dân Đầm Dơi đang tràn đầy hy vọng một năm mới tiếp tục mang về những vụ mùa bội thu.
Năm 2011, tổng sản phẩm trong huyện (GDP) 3.666 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. GDP bình quân đầu người 20 triệu đồng, đạt 101,84%. Thu ngân sách 105 tỷ đồng, đạt 131,6% kế hoạch.
Tổng sản lượng thủy sản 82.800 tấn, đạt 100,3%, trong đó tôm 35.000 tấn. Hộ dân sử dụng điện đạt 87,78%. Tỷ lệ hộ nghèo từ 17,80% giảm xuống còn 14,71%.
Theo đó, nghị quyết đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2012 tổng sản phẩm (GDP) 4.186 tỷ đồng. Mỗi xã, thị trấn xây dựng từ 3 - 5 km lộ bê-tông theo tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,7%.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, mục tiêu phát triển nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra nhằm phục vụ XK và tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Philippines tổ chức hội nghị với sự tham gia của 500 DN trong ngành cá ngừ trong tuần này, nhằm thực hiện các hoạt động XK cạnh tranh hơn trên toàn thế giới.

Theo số liệu của Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS), trong tháng 7, Mỹ NK 14.327 tấn cá philê đông lạnh, nâng tổng lượng cá philê đông lạnh NK trong 7 tháng đầu năm lên 86.766 tấn. Như vậy NK đã tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Phần lớn (gần 90%) philê đông lạnh NK của Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cựu giám đốc điều hành của WCPFC cho biết tình hình trữ lượng cá ngừ vẫn chưa thể phục hồi, nhưng nó đang ở mức nguy hiểm và ngày càng tồi tệ.

Một trong những giải pháp được đưa ra cho bài toán thiếu tôm nguyên liệu và cũng là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo đề án tôm của Tổng cục Thủy sản quy định DN chế biến phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tối thiểu 10% công suất. Theo cộng đồng DN tôm, trong bối cảnh thực tế ngành tôm Việt Nam hiện nay, giải pháp này chưa phù hợp.