Hai Lúa Xuất Ngoại Học Làm Nông Thôn Mới

Hội Nông dân TP.HCM đang gấp rút hoàn thành kế hoạch đưa 20 nông dân (ND) sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Nhân - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM xung quanh chương trình này.
Theo đó, đối tượng đi học tập lần này là các ND, chủ nhiệm các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại các huyện ngoại thành của TP.HCM. Ông Dương Văn Nhân cho biết, dù kinh phí có phần hơi cao hơn so với việc đi sang các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… nhưng TP.HCM quyết tâm chọn Hàn Quốc vì những thành tích trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà nước này đạt được.
Cụ thể chương trình đưa ND sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm xây dựng NTM như thế nào, thưa ông?
Sau 5 năm thực hiện đưa các đoàn ND, cán bộ Hội ND đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, sản xuất nông nghiệp, TP.HCM đã có nhiều thay đổi rõ rệt, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cao được nhân rộng. Do đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt, giao cho Hội ND phối hợp Sở NNPTNT TP.HCM tiếp tục thực hiện đề án này giai đoạn 2013 – 2018.
Ban đầu, Ban Thường vụ Hội ND thành phố chọn các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia để thực hiện đề án, tuy nhiên do năm 2014 và 2015 là 2 năm cao điểm xây dựng NTM trên địa bàn thành phố nên Hội ND quyết định chọn Hàn Quốc để triển khai chương trình.
Sẽ có 11ND sản xuất, kinh doanh giỏi, 9 đại diện các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và 5 cán bộ Hội ND được chọn để sang Hàn Quốc học tập đợt này. Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài trong 6 ngày 5 đêm, bắt đầu vào khoảng tháng 6 tới.
Mục tiêu cụ thể của chuyến đi là gì, thưa ông?
Trước hết, chuyến đi lần này nhằm mục đích giúp ND - là những người trực tiếp tham gia xây dựng NTM tại địa phương, học tập kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển NTM tại Hàn Quốc. Đây là quốc gia đã có công cuộc xây dựng NTM khá thành công. Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2015, 56 xã ngoại thành của TP.HCM sẽ về đích NTM. Do đó, sau khi đi Hàn Quốc về, các địa phương sẽ có thêm kinh nghiệm để hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Ngoài ra, chuyến đi cũng đặt mục tiêu giúp ND, đại diện các HTX, tổ hợp tác học tập kinh nghiệm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp như rau an toàn, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Từ đó, thực hiện mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập người dân nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần, giúp người ND có điều kiện thụ hưởng những tiện ích xã hội khác như người dân nội thành.
So với đề án 5 năm trước, đề án giai đoạn 2013 – 2018 có gì mới?
Nếu như trong những năm trước, ND tham gia chương trình được hỗ trợ 50% chi phí chuyến đi thì năm nay, thành phố tăng lên 70%, ND chỉ phải đóng 30% tổng chi phí. Ngoài ra, bên cạnh đối tượng là nông dân giỏi như trước đây, từ năm nay, đại diện ban chủ nhiệm các HTX, tổ trưởng các tổ hợp tác cũng được chọn tham gia đề án. Mục tiêu cho những đối tượng này là nâng cao năng lực quản lý cũng như các kỹ năng đàm phán thương mại…
Với chương trình này, Hội ND có biện pháp nào để chương trình được đến đúng đối tượng, không gây lãng phí ngân sách?
Theo ông Nhân, Sở Tài chính TP.HCM đã phân bổ 600 triệu đồng từ ngân sách thành phố cho việc thực hiện đề án đưa ND sang Hàn Quốc học làm NTM năm 2014 và sẽ bổ sung thêm nguồn kinh phí nếu thiếu.
Tiêu chuẩn đầu tiên để được xét chọn tham gia đề án phải là ND giỏi. Tuy nhiên, thành phố hiện có khoảng 100 nông dân giỏi cấp trung ương, hơn 1.500 ND giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, lực lượng ND giỏi các cấp địa phương cũng rất nhiều. Trong khi đó, thành phố cũng có hơn 60 HTX và trên 100 tổ hợp tác. Do đó, để được chọn, ND giỏi phải có thêm một số tiêu chí khác.
Cụ thể, phải là người có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương. Thứ hai, phải là người có khả năng truyền đạt những kiến thức được học trong chuyến đi cho những người khác, có ý thức chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, tận tình giúp đỡ bà con trong vùng cùng phát triển sản xuất.
Ngoài ra, nếu bà con nào có nhu cầu đi cùng đoàn để tăng thêm kiến thức cho bản thân thì thành phố cũng sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục khác để cùng đi. Như năm 2013, sau khi Hội ND đưa hơn 100 ND đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về, ND các huyện thấy hiệu quả tốt nên có hơn 130 người đăng ký đi tiếp. Hội ND cũng đã hỗ trợ tổ chức chương trình cho bà con.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Chiều 14/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa – tôm trên diện tích hơn 139 ha, với 72 hộ dân tham gia.

Là cây trồng đặc sản nổi tiếng, khoai lang Ngọc Vừng có vị thơm, ngọt đặc biệt, củ to, được du khách ưa chuộng. Trong những năm qua, dù được đầu tư phát triển thế nhưng cây trồng đặc sản này đang gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.

Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.