Hải Lăng thành công với giống lúa mới trên cánh đồng lớn

Vụ đông xuân 2015, huyện Hải Lăng đã hỗ trợ cho HTX Hà Lộc, xã Hải Sơn và HTX Xuân Lâm, xã Hải Xuân xây dựng cánh đồng lớn sản xuất giống lúa mới Thiên ưu 8 với tổng diện tích 50 ha, trong đó HTX Hà Lộc 20 ha và HTX Xuân Lâm 30 ha. Kết quả cho thấy, giống lúa Thiên ưu 8 là giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng trung bình; có thân cứng nên có khả năng chống chịu được một số loại sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện và chân đất ít màu mỡ; cũng là giống lúa chịu thâm canh và cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Năng suất bình quân giống lúa Thiên ưu 8 toàn HTX Hà Lộc đạt khoảng 70 tạ/ ha, HTX Xuân Lâm hơn 55 tạ/ha.
Trong quá trình triển khai mô hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng đã phối hợp với HTX hỗ trợ rất nhiều cho nông dân như tổ chức tập huấn cho bà con hiểu rõ về đặc điểm giống lúa mới này và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, áp dụng các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh. Qua đó đã giúp cho nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật sản xuất thâm canh từ khâu chuẩn bị đất, gieo trồng, chăm sóc, phát hiện và phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại chính. Nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa Thiên ưu 8 này còn được huyện hỗ trợ 50% giống lúa và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ một phần tiền mua máy sạ hàng và được chỉ đạo sản xuất cùng một thời gian tạo ra một cánh đồng đồng đều về tiến độ sản xuất và chất lượng, đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí và nâng hiệu quả sản xuất.
Tham gia gieo cấy 0,5 ha lúa Thiên ưu 8, ông Lê Hữu Cương ở HTX Hà Lộc, xã Hải Sơn rất phấn khởi khi xuống đồng thu hoạch giống lúa mới này. Ông cho biết, giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt và cho năng suất cao hơn nhiều giống lúa đang trồng; một bông lúa ước trên 250 hạt, hạt to và mẫy, màu vàng sáng, chất lượng gạo ngon, độ dẻo trung bình nhưng có vị đậm đà. Được sự hỗ trợ của huyện, vụ hè thu này, gia đình ông sẽ tiếp tục khảo nghiệm giống lúa mới này để khẳng định chắc chắn tính thích nghi của nó.
Ngoài giống lúa Thiên ưu 8, vụ đông xuân năm nay huyện Hải Lăng còn đưa vào trồng khảo nghiệm một số loại giống lúa khác như: NA2, Bồ Đề 688-X2... Phần lớn nông dân trực tiếp tham gia sản xuất khảo nghiệm đều đánh giá cao mô hình cánh đồng lớn với các giống lúa thuần mới. Sản xuất cánh đồng lớn khắc phục được tình trạng gieo cấy nhiều loại giống trên cùng một cánh đồng không chỉ dễ dẫn đến nhiễm chéo sâu bệnh mà còn khó chỉ đạo sản xuất, các loại giống lúa nhanh thoái hóa.
Cán bộ kỹ thuật của huyện cùng với HTX thường xuyên thăm đồng, chỉ đạo cụ thể từng biện pháp kỹ thuật như điều chỉnh tưới nước; đưa ra thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để vừa bảo vệ được thiên địch, vừa phòng trừ được sâu bệnh; bón cân đối các loại phân, sử dụng bảng so màu lá... Từ chỉ đạo đồng đều các biện pháp canh tác nên lúa trên cánh đồng lớn gieo cấy cùng lúc, thu hoạch cùng lúc sẽ tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Mặt khác, cánh đồng lớn còn tạo ra được lượng sản phẩm hàng hóa lớn nên nông dân dễ tiêu thụ hơn. Đối với sản lượng của 50 ha lúa Thiên ưu 8 vụ đông xuân 2014- 2015 đã được Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương ký kết thu mua với giá cao hơn 10% so với giá các giống lúa thông thường. Đây là một thành công nữa của việc triển khai sản xuất giống lúa mới trên cánh đồng lớn của Hải Lăng.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết: Trên cơ sở những kết quả của đợt khảo nghiệm lần này, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương lựa chọn loại giống phù hợp để bố trí đưa vào sản xuất thay thế dần cho các loại giống cũ và chuyển đổi quy mô sản xuất sang cánh đồng lớn nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao.
Mô hình giống lúa mới trên cánh đồng lớn ở Hải Lăng trong vụ đông xuân 2014- 2015 đã thu được thành công ban đầu. Để mô hình này tiếp tục nhân rộng, huyện Hải Lăng cần tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, đồng thời từng bước nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ HTX như năng lực quản lý, năng lực đàm phán thương mại để tổ chức này có thể làm đại diện cho nông dân thực hiện liên kết trong chuỗi liên kết “4 nhà” phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” vừa khép lại tại chợ huyện Đầm Dơi (Cà Mau), là cuộc kiểm nghiệm thị trường tiêu dùng đầy bất ngờ.

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người cho rằng, từ nguồn phí này sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

Kết quả cho thấy, cá chết là do bị bệnh liên cầu khuẩn. Nguyên nhân cá bị bệnh là do thời tiết nắng nóng, sức đề kháng giảm trong khi đó mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường ao nuôi. Ngoài ra, các hộ dân không vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, thả với mật độ dày, cho cá ăn phân chuồng chưa qua xử lý

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao

Những năm gần đây, phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế được nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện khá hiệu quả, nhờ đó nhiều nông dân đã thoát nghèo, làm giàu. Trong số đó có anh Pi Năng Liêm, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh