Hà Tĩnh: Nguy Cơ Bùng Phát Dịch

Ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, người có kinh nghiệm nhiều năm dập dịch cho biết: Tuy dịch cúm gia cầm mới xuất hiện sau so với một số tỉnh, thế nhưng do dịch bùng phát rất nhanh nên một số địa phương của tỉnh trở tay không kịp. Chỉ mới trong một thời gian ngắn đã có hơn 6.200 con gia cầm của các hộ dân ở 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên chết, phải tiêu huỷ. Mặc dù chủ trương của tỉnh giao các cơ quan chức năng phải thường xuyên bám sát chỉ đạo địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp dập dịch nhưng xem ra còn nhiều lãnh đạo cơ sở chưa thực sự quyết liệt vào cuộc.
Chúng tôi về xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, một trong những xã dịch cúm gia cầm mới xuất hiện. Thế nhưng công tác dập dịch ở đây có vẻ rất sơ sài. Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Trần Trung Phong, ông cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt lực lượng được phân công trực gác phải phun khử trùng toàn bộ ô tô, xe máy ra vào vùng dịch, kể cả các phương tiện thô sơ nếu vào vùng dịch cũng phải khử trùng nhằm đảm bảo dịch không lây lan ra diện rộng, việc một số chốt chặn không thực hiện được vấn đề trên xã sẽ có biện pháp xử lý nghiêm đối với ca trực đó”.
Được biết, xã Cẩm Yên có tổng đàn gia cầm hơn 16.500 con; trong đó vịt 8.920 con, ngan hơn 400 con, còn lại là gà. Dịch CGC được phát hiện tại địa phương này vào ngày 18/2 ở hộ anh Nguyễn Đình Thành, thôn Yên Quý. Khi phát hiện hiện tượng gà chết, chính quyền xã đã phối hợp gia đình anh Thành tiến hành tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm hơn 700 con, đồng thời vây vùng dập dịch.
Đi một vòng quanh khu vực vừa xảy ra dịch, mặc dù chính quyền xã Cẩm Yên khuyến cáo không thả rông gia cầm, nhưng qua ống kính của PV, người dân vẫn vô tư thả vịt, gà kiếm ăn từ ao đầm nhà này sang ao đầm nhà khác mặc cho loa phát thanh của xã luôn kêu gào nhắc nhở.
Rời xã Cẩm Yên, chúng tôi xuống xã Cẩm Hoà, một trong những xã có đàn gia cầm thuộc diện nhất nhì của huyện Cẩm Xuyên với hơn 45.000 con. Ngày 15/2 địa phương này phát hiện dịch tại thôn Quý Hoà với 5 hộ dân có gà, vịt bị bệnh, chết. Từ thời gian đó đến nay số lượng thôn xóm và hộ dân có gia cầm bị dịch tăng lên từng ngày. Đến nay, toàn xã có 11 hộ thuộc 4 thôn với hơn 1.700 con gia cầm bị ốm chết, phải tiêu huỷ.
Chúng tôi cùng cán bộ thú y xã đến gia đình anh Trần Viết Ngô, thôn Minh Hoà, gia đình anh Ngô có 15 con gà bị chết vào chiều ngày 20/2. Khi chúng tôi đến vợ chồng anh Ngô đang ký vào biên bản tiêu huỷ gia cầm với chính quyền địa phương. Kỳ lạ thay, toàn bộ đàn gà gia đình anh (hơn 70 con) chỉ tiêu huỷ 15 con bị chết, trong khi đó số còn lại vợ chồng ông Ngô vẫn thả rông ngoài vườn, đào bới thức ăn ngay trên khu vực vừa tiêu huỷ 15 con gà bị chết. Và đây là chiếc bình được dùng để phun tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch
Mang thắc mắc này trao đổi với Chủ tịch xã Trần Bá Tý, ông Tý có vẻ bức xúc. “Sáng nay xã đã thống nhất phương án chỉ đạo dập dịch và tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm của các hộ dân đã dính dịch, nhưng không hiểu vì sao các thôn và người dân lại làm như vậy. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại để có biện pháp xử lý ngay”.
Ngoài việc “phớt lờ”chỉ đạo cấp trên, ở xã Cẩm Hoà còn có một phương pháp khử trùng tại các chốt kiểm dịch rất “đặc biệt”. Xã giao 2 người trực 24/24h, nhưng khi chúng tôi ra vào mấy lần ở chốt này thì chẳng hề thấy bóng dáng ai trực chốt, hỏi ra mới biết, các anh có đám giỗ nên xin phép về đi đám dỗ vài giờ. Một bao vôi, một lọ Bencocid và một chiếc bình thường dùng để phun hoa nay được “triệu” ra đây để làm nhiệm vụ phun độc khử trùng cho các phương tiện ra vào vùng dịch. Chẳng biết, với cách làm này liệu có phun nổi một lốp xe chăng?!
Có thể bạn quan tâm

Vấn đề quan trọng hiện nay là việc triển khai đề án này cần được thực hiện như thế nào. NTNN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.

Ông Lê Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, sau Tết Nguyên đán - 2013, nắng nóng kéo dài khiến 48 ao nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 37ha. Hầu hết tôm nuôi công nghiệp dễ bị chết, tôm nuôi quảng canh ít chết, không tốn thức ăn.

Xóm 5 Kim Tân, xã Kim Sơn (Định Hoá) có 62 hộ thì có gần một nửa thuộc diện nghèo và cận nghèo, 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu đất và nước sản xuất. Việc làm giàu trên chính mảnh đất khó này lâu nay vẫn được xem như một kỳ tích và người làm lên kỳ tích đó chính là gia đình anh Lường Xuân Quý với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi.

Gần đây, tại TP.HCM nhiều mặt hàng thủy hải sản được bày bán trên sạp tạm, xe đẩy bên lề đường với số lượng khá lớn và giá rẻ hơn cả giá bán sỉ.

Mới đây tôi lại có dịp về lại xã Bình Thuận của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong cái nắng hè khá gay gắt, anh Dương Ngọc Thơi - chủ tịch hội Nông dân và anh Nguyễn Hữu Thái- chủ tịch hội Nghề cá xã Bình Thuận đã nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan các địa điểm nuôi cá mú lồng tại địa phương.