Hà Tĩnh Khắc Phục Sự Cố 95,5 Tấn Giống Lúa Không Nảy Mầm

Bước vào sản suất vụ xuân 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã phải tập trung khắc phục hậu quả sự cố 95,5 tấn giống lúa VTNA2 có tỷ lệ nảy mầm không đạt tiêu chuẩn do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cung ứng.
Tuy mới là năm thứ ba có mặt trên đồng ruộng Hà Tĩnh nhưng giống lúa VTNA2 do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (CPVTNN) sản xuất được người nông dân tin dùng. Với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn, giống VTNA2 đã được ngành nông nghiệp cơ cấu vào bộ giống xuân muộn của tỉnh.
Vụ xuân 2014, Tổng Công ty CPVTNN Nghệ An đã cung ứng cho bảy huyện, thị xã của Hà Tĩnh 304,8 tấn giống VTNA2 để trồng trên diện tích 6.000 ha (chiếm khoảng 9% diện tích vụ xuân của tỉnh). Ðến đầu tháng 1-2014, giống đã được chuyển về các địa phương và không ít nơi đã tiến hành ngâm ủ. Tuy nhiên, một số nơi phát hiện tỷ lệ nảy mầm không đạt yêu cầu. Sự rủi ro này đã khiến cho không ít người dân hoang mang, lo lắng...
Ngày 8-1, ngay sau khi nhận được thông tin về giống lúa có tỷ lệ nảy mầm thấp, lãnh đạo Tổng Công ty CPVTNN Nghệ An đã xuống các địa phương cùng các ngành liên quan nhanh chóng xác minh. Cụ thể, có bốn lô giống có ký hiệu: ÐX.13.005.1; ÐX. 13.005.2; ÐX. 13.001.1 và ÐX. 13.001.2 với khối lượng 95,5 tấn có tỷ lệ nảy mầm không đạt tiêu chuẩn.
Phần lớn trong số này là giống nguyên chủng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: Ba năm qua, nhiều địa phương trong huyện đã tin dùng VTNA2 và ngày một mở rộng diện tích bởi hiệu quả kinh tế mà giống lúa này đưa lại. Nhưng vụ này, trong 110 tấn giống VTNA2 mà các địa phương mua, có đến 27 tấn phải thu hồi vì nảy mầm kém. Huyện Thạch Hà cũng phải thu hồi 23,7 tấn giống, Can Lộc 14,4 tấn...
Theo giải trình của phía Tổng Công ty CPVTNN thì toàn bộ số giống nêu trên được sản xuất vào vụ xuân 2013 tại xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) và xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Nguyên nhân những lô giống không nảy mầm là do khi phát hiện độ ẩm cao, chưa đạt chuẩn của giống (chuẩn là 13%), đơn vị đã quyết định cho sấy, nhưng trong quá trình sấy có sơ suất, khiến tỷ lệ lúa nảy mầm không đạt tiêu chuẩn...
Ngay sau khi phát hiện sự cố kể trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành liên quan cùng với địa phương và Tổng Công ty tập trung xử lý khắc phục hậu quả, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ðình Sơn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ bộ giống vụ xuân 2014, đặc biệt là giống VTNA2. Ðối với các huyện, chủ động lên phương án chuẩn bị giống dự phòng theo cơ cấu gồm TH3-3, KD đột biến và PC6...; cân đối giống lúa trong dân, không để người dân thiếu giống sản xuất, bỏ hoang diện tích.
Trong thời gian ngắn, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục, và đã cơ bản thay thế giống VTNA2 bị sự cố trên bằng các giống dự phòng bảo đảm yêu cầu lịch thời vụ cũng như chất lượng giống. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà và Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc Phan Hùng Cường đều cho biết: Hiện, huyện đã dự trữ một số giống lúa thay thế như: TH3-3, TH3-4, P6, Bắc Thơm số 7, Khang Dân 18... Tùy theo nhu cầu của người dân, huyện cung ứng kịp thời để bà con đủ giống cấy hết diện tích; đồng thời, động viên bà con tiếp tục sử dụng giống VTNA2 nảy mầm bình thường.
Qua sự cố về giống lúa ở Hà Tĩnh, cần siết chặt hơn nữa việc quản lý chất lượng giống lúa trước thực trạng sản xuất, cung ứng giống theo lối "trăm hoa đua nở" trên địa bàn thời gian qua.
Ðề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ hợp đồng mua bán giống, có biện pháp xử lý với số giống kém chất lượng đúng pháp luật. Ðây cũng là bài học trong công tác quản lý và cung ứng giống của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Đánh giá về tiềm năng phát triển thủy sản của địa phương, ông Nguyễn Kim Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông khẳng định: So với nhiều xã khác trong huyện, Dị Nậu có tiềm năng lớn để phát triển thủy sản do có diện tích mặt nước rộng, hồ đầm lớn; đồng chiêm trũng 1 lúa, 1 cá chiếm đến gần 50% diện tích đất lúa hàng năm.

Sử dụng trấu, mùn cưa trộn lẫn với chế phẩm sinh học Balasa làm đệm lót để nuôi heo không chỉ giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được ngày công khi không phải vệ sinh chuồng trại. Mô hình này mở ra hướng đi mới cho những người muốn duy trì, phát triển chăn nuôi tại các khu dân cư.

Thay vì cần có chiến lược phát triển bài bản để ngày càng nâng cao chất lượng và chiếm ưu thế trên thị trường thế giới, vậy mà giờ đây trái thanh long Việt Nam đối diện với nguy cơ cạnh tranh với nhiều nước, không chỉ về thị trường mà cả về giống, chất lượng và quy trình kỹ thuật.

Hàng nghìn hộ dân đã phải giảm đàn nuôi, thậm chí là phải treo chuồng. Thực tế này cho thấy, sự phát triển của gà đồi Yên Thế còn bấp bênh, thiếu bền vững dù là một trong những mặt hàng nông sản có thương hiệu mạnh.

Để triển khai chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý Ngân hàng Nhà nước tăng cường tuyên truyền, minh bạch chính sách cho vay ưu đãi tới tận cơ sở, tránh tình trạng ngư dân không nắm hết chính sách, bị “cò mồi” lợi dụng để trục lợi…