Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa chuẩn bị trồng cây vụ Đông. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhưng năng suất lúa vẫn đạt 56 - 58 tạ/ha.
Thu hoạch đạt trên 80% diện tích
Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện có khoảng 25% diện tích lúa bị đổ. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương tháo kiệt nước ở những chân ruộng trũng kết hợp với gom buộc các khóm lúa hạn chế thiệt hại. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 80% diện tích, năng suất dự kiến trung bình đạt 57 – 58 tạ/ha.
Quốc Oai là huyện có thời vụ cấy muộn hơn so với các địa phương trong toàn TP, song đến thời điểm này, Quốc Oai đã thu hoạch được hơn 3.000/5.200 ha lúa, đạt gần 60%. Ông Dương Tôn Kiên - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 170ha lúa trong giai đoạn chắc xanh của huyện bị đổ. Dự kiến, khoảng trung tuần tháng 10, huyện sẽ hoàn thành thu hoạch lúa Mùa, năng suất ước đạt 56 tạ/ha.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ mùa năm 2014, toàn TP gieo cấy 101.818 ha. Tính đến cuối tuần qua, toàn TP đã thu hoạch được hơn 80.000ha, đạt hơn 80% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, nhiều huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa Mùa như Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín... Năng suất lúa ước đạt 56 - 58 tạ/ha.
Chuẩn bị tốt sản xuất vụ Đông
Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, để đảm bảo vụ mùa năm 2014 giành thắng lợi, Sở đề nghị lãnh đạo các huyện, thị xã khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Bên cạnh đó, đôn đốc các địa phương rà soát kế hoạch trồng cây vụ Đông, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng kịp thời giống, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho sản xuất vụ Đông. Đặc biệt, huy động tối đa các máy làm đất nhằm chủ động khâu chuẩn bị gieo cấy vụ Đông năm 2014 đúng khung thời vụ.
Hiện nay, tại một số địa phương như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa... nông dân đã bắt tay vào trồng cây Vụ Đông trên các diện tích đã thu hoạch xong lúa Mùa. Trong đó chủ yếu là trồng đậu tương, rau màu, ngô, khoai lang...
Theo Sở NN&PTNT, thời vụ trồng cây vụ Đông 2014 với các giống đậu tương có thời gian sinh trưởng trung bình xong trước 5/10, các giống ngắn ngày, các giống ngô nếp gieo đến 10/10. Cây khoai tây trồng giữa tháng 10 đến đầu tháng 11...
Có thể bạn quan tâm

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của kinh tế hộ ở các huyện miền núi tỉnh ta. Tuy nhiên, tại các địa phương, chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

Ngày 7-10, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Lễ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác cho vay vốn đối với khách hàng mua máy nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích một số loại cây ăn quả kém hiệu quả trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Đơn cử như cây vải, hiện chỉ còn khoảng 4.000 ha, giảm 15-20% diện tích so với 5 năm trước. Diện tích một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như nhãn, na, chuối, táo tăng lên do thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là chuối. Riêng 9 tháng của năm nay, nông dân trong tỉnh đã trồng được 83ha chuối.

Ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu chính là người khởi xướng và dày công vun đắp cho cuộc thi. Thủa ban đầu, với tên gọi “Bò sữa điển hình chất lượng cao”, cuộc thi diễn ra tương đối đơn điệu.