Hà Nội Tập Trung Thu Hoạch Lúa Vụ Mùa

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa chuẩn bị trồng cây vụ Đông. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhưng năng suất lúa vẫn đạt 56 - 58 tạ/ha.
Thu hoạch đạt trên 80% diện tích
Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện có khoảng 25% diện tích lúa bị đổ. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương tháo kiệt nước ở những chân ruộng trũng kết hợp với gom buộc các khóm lúa hạn chế thiệt hại. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 80% diện tích, năng suất dự kiến trung bình đạt 57 – 58 tạ/ha.
Quốc Oai là huyện có thời vụ cấy muộn hơn so với các địa phương trong toàn TP, song đến thời điểm này, Quốc Oai đã thu hoạch được hơn 3.000/5.200 ha lúa, đạt gần 60%. Ông Dương Tôn Kiên - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 170ha lúa trong giai đoạn chắc xanh của huyện bị đổ. Dự kiến, khoảng trung tuần tháng 10, huyện sẽ hoàn thành thu hoạch lúa Mùa, năng suất ước đạt 56 tạ/ha.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ mùa năm 2014, toàn TP gieo cấy 101.818 ha. Tính đến cuối tuần qua, toàn TP đã thu hoạch được hơn 80.000ha, đạt hơn 80% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, nhiều huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa Mùa như Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín... Năng suất lúa ước đạt 56 - 58 tạ/ha.
Chuẩn bị tốt sản xuất vụ Đông
Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, để đảm bảo vụ mùa năm 2014 giành thắng lợi, Sở đề nghị lãnh đạo các huyện, thị xã khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Bên cạnh đó, đôn đốc các địa phương rà soát kế hoạch trồng cây vụ Đông, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng kịp thời giống, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho sản xuất vụ Đông. Đặc biệt, huy động tối đa các máy làm đất nhằm chủ động khâu chuẩn bị gieo cấy vụ Đông năm 2014 đúng khung thời vụ.
Hiện nay, tại một số địa phương như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa... nông dân đã bắt tay vào trồng cây Vụ Đông trên các diện tích đã thu hoạch xong lúa Mùa. Trong đó chủ yếu là trồng đậu tương, rau màu, ngô, khoai lang...
Theo Sở NN&PTNT, thời vụ trồng cây vụ Đông 2014 với các giống đậu tương có thời gian sinh trưởng trung bình xong trước 5/10, các giống ngắn ngày, các giống ngô nếp gieo đến 10/10. Cây khoai tây trồng giữa tháng 10 đến đầu tháng 11...
Có thể bạn quan tâm

Từ vài ngày qua, giá thu mua thanh long tại Bình Thuận liên tục tăng cao và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, đem lại niềm vui cho không ít hộ dân vùng chuyên canh. Như tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), các chủ vựa đưa ra giá thu mua dao động từ 29.500 - 30.000 đồng/kg, nên nhiều nhà vườn thu được khoản tiền lớn từ 400 - 500 triệu đồng.

Nằm ven sông Hồng, xã Đông Kết (Khoái Châu - Hưng Yên) có lợi thế về đồng cỏ ven triền đê và diện tích trồng chuối tương đối lớn (hơn 100 ha)… Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển đàn bò sữa. Trong thời gian qua, bò sữa đã trở thành con vật nuôi “xóa đói giảm nghèo”, mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã.

Năm nay, toàn tỉnh có 13 mô hình được hỗ trợ xây dựng mô hình từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQG XD NTM).

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận vừa đánh giá kết quả triển khai mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn.

Từ nhiều năm nay, xã Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã nổi tiếng là vùng trồng rau gia vị của TP. Bằng sự cần cù lao động, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), người dân ở đây đã từng bước nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.