Hà Nội Nghiên Cứu Thành Công Giống Lúa Mới Năng Suất Cao

Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết đã nghiên cứu thành công giống lúa mới vụ Xuân 2014, kết quả thu hoạch lúa vụ Xuân đạt hiệu quả rất rõ rệt về chống đổ, khả năng chịu rét, chống nhiễm bệnh và năng suất đạt cao hơn giống lúa truyền thống từ 5-10 tạ/ha.
Được biết, vụ Xuân 2014, Trung tâm đã khảo nghiệm nhóm năng suất gồm giống DQ12 và KB2, nhóm đối chứng là Khang dân 18; Nhóm chất lượng gồm giống Sơn Lâm 1, Thuần Việt 1 và Hương cốm 4, giống đối chứng là Bắc thơm số 7 tại các xã đại diện cho các vùng sinh thái sản xuất lúa của Hà Nội như xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ; xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức; xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn và Trạm thực nghiệm giống cây trồng của Trung tâm tại Thường Tín.
Kết quả khảo nghiệm nhóm lúa thuần chất lượng cho thấy giống Sơn Lâm 1 có thời gian sinh trưởng tương đương Bắc thơm số 7, chống đổ trung bình, khả năng chịu rét khá, nhiễm khô vằn, bọ rầy trung bình, bạc lá, đạo ôn nhẹ, năng suất trung bình 56,39 tạ/ha, cao hơn BT7 5-7 tạ/ha, thích hợp các chân ruộng vàn, vàn trũng.
Giống Thuần Việt 1 có thời gian sinh trưởng dài hơn Bắc thơm số 7 từ 5-7 ngày, chống đổ khá, khả năng chịu rét khá, kháng khô vằn, bạc lá, bọ rầy, đạo ôn khá, nhiễm đốm nâu nhẹ, năng suất trung bình 56,68 tạ/ha cao hơn Bắc thơm số 7 từ 5-10 tạ/ha, thích hợp các chân ruộng vàn, vàn trũng.
Đánh giá khảo nghiệm nhóm lúa thuần năng suất cho thấy, giống DQ12 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống Khang dân 18 từ 3-5 ngày, chống đổ trung bình, khả năng chịu rét khá, nhiễm khô vằn, bọ rầy trung bình, nhiễm đạo ôn nhẹ, năng suất trung bình 63,12 tạ/ha tương đương giống Khang dân 18, thích hợp các chân ruộng vàn, vàn cao.
Trong sản xuất thử nghiệm tiến hành với hai giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá và QR2 tại các Hợp tác xã nông nghiệp xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ; xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức; xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, trên tổng diện tích 9ha. Các giống được gieo cấy trong khung thời vụ của từng địa phương.
Kết quả thử nghiệm tại các hợp tác xã cho thấy, giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá thời gian sinh trưởng từ 133-135 ngày, chống đổ, chịu rét khá, nhiễm khô vằn, bọ rày, đạo ôn nhẹ, năng suất đạt từ 52-60 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, thích hợp các chân ruộng vàn, vàn cao.
Giống QR2 thời gian sinh trưởng từ 128 đến 130 ngày, ngắn hơn Bắc thơm 5-7 ngày, chống đổ và khả năng chịu rét khá, nhiễm khô vằn, bọ rày trung bình, bạc lá, đạo ôn nhẹ, năng suất đạt từ 54-56 tạ/ha; thích hợp các chân ruộng vàn, vàn cao.
Qua đánh giá ba vụ cho thấy giống QR2 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn Khang dân từ 5-7 ngày, năng suất 54-56 tạ/ha, gạo dẻo có thể bố trí cấy vụ mùa để có đất sớm làm vụ Đông.
Qua đó, có kết quả chính xác trước khi đưa các giống lúa mới này ra sản xuất thử nghiệm trên diện rộng, đồng thời tiếp tục cho sản xuất thử nghiệm giống QR2 ở vụ mùa để có kết luận chính xác trước khi đưa vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội, đưa giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá vào cơ cấu giống sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2014 để giảm bớt giống Bắc thơm số 7 hiện nay do dễ bị nhiễm bệnh bạc lá nhất là trong vụ mùa.
Có thể bạn quan tâm

Mỗi con bò trước khi giết mổ được chủ cơ sở bơm nước cưỡng bức vào bụng sẽ thu lợi thêm khoảng 2-3 triệu đồng. Đây không chỉ là hành vi gian lận mà nguy hại hơn, chất lượng thịt giảm đáng kể do nước bơm vào đều bị ô nhiễm.

Chị Ba, cư ngụ tại ấp II (Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang) thở dài, nói: “Sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000 m2 (4 công đất) ao ương cá tra giống để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tới”.

Chiều 18.9, ông Nguyễn Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: Mưa lớn kéo dài suốt 5 ngày qua kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến nhiều diện tích hồ tôm nuôi của 15 hộ dân tại thôn Công Lương bị vỡ bờ bao và ngập úng nặng. Qua thống kê, hiện có 15 hồ nuôi với diện tích 4,5 ha trên địa bàn chịu ảnh hưởng, ước tính thiệt hại gần 3 tỉ đồng.

Đó là anh Bùi Sĩ Ngọc ở thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định). Cơ sở của anh chuyên ấp nở vịt xiêm và gà ta, với quy mô 2 lò ấp theo chu kỳ 5 ngày ấp nở được 1 lứa, sản xuất ra 5.000 con giống.

Mấy ngày qua, tình hình giá cá tra chẳng mấy khả quan khi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg dưới giá thành sản xuất từ 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi vật giá đều nằm ở mức cao, khiến ngư dân “oằn lưng” chịu lỗ. Hàng loạt ao hầm tiếp tục bị “treo”, do người nuôi không còn vốn để tái đầu tư. Nhiều hộ, phải “nhường sân” cho doanh nghiệp hoặc các đại gia thuê nuôi cá tra.