Gừng Nghệ An Có Thể Xuất Khẩu Sang Nhật

Theo tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An, từ ngày 26/8/2014, Công ty NT Vegetable - Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác trực tiếp sang Việt Nam và sẽ tiến hành khảo sát về sản phẩm gừng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn - tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những cơ hội quan trọng để củ gừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể phát huy giá trị kinh tế.
“Thông tin trên thực sự đem lại niềm hy vọng lớn cho cây gừng và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Nghệ An. Đó cũng là kết quả có sự nỗ lực rất lớn của Bộ KH&ĐT và đoàn công tác tỉnh Nghệ An do đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu tham gia xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản trong các ngày từ 18 đến 24 tháng 8 vừa qua”- Ông Hoàng Vĩnh Trường- Phó GĐ Trung tâm xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Trường, trong thời gian trên, với sự giúp đỡ của Bộ KH&ĐT, đoàn công tác của Nghệ An đã có những hoạt động tiếp xúc, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp chất lượng cao trên đất nước Nhật.
Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, đồng chí Đinh Viết Hồng thay mặt lãnh đạo tỉnh đã có những cuộc gặp, trao đổi với 5 tỉnh của Nhật Bản (gồm: Hyogo, Miyazaki, Iwate, Yamagata và Chiba); Đồng thời tham dự Hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI); “Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” với trên 500 doanh nghiệp của Nhật tham gia.
Cùng tham dự các sự kiện này có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và 10 địa phương của Việt Nam (gồm: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Tiền Giang và Bến tre).
Trong khuôn khổ các chương trình đó, đoàn công tác của Nghệ An tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu giới thiệu về cơ hội đầu tư của tỉnh và các dự án tiềm năng cho các doanh nghiệp Nhật Bản;
Trong đó, tập trung quảng bá, đề nghị các doanh nghiệp “xứ sở hoa anh đào” nghiên cứu, tìm kiếm đối tác tại tỉnh Nghệ An để đầu tư vào các lĩnh vực như: Chế biến các sản phẩm nông sản, chế biến thịt và sản xuất máy nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp chế biến của Nhật có thế mạnh và Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển diện tích, cung cấp nguyên liệu…
Đặc biệt, trong “Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao”, với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đoàn công tác của Nghệ An cung cấp nhiều thông tin.
Trong phiên tọa đàm và kết nối đầu tư, đoàn Nghệ An đã trao đổi trực tiếp với 04 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các lĩnh vực: Sản xuất rau, hoa chất lượng cao; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gừng và sản xuất các sản phẩm từ tre, nứa, mét.
Thành công ngoài mong đợi, khi Công ty NT Vegetable của Nhật Bản thực sự quan tâm đến sản phẩm gừng do Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An giới thiệu. Ngay sau buổi làm việc (vào ngày 22/8), đại diện doanh nghiệp này đặt vấn đề sẽ đến Việt Nam, sẽ trực tiếp vào Nghệ An khảo sát về sản phẩm gừng tại vùng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.
Sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược tin cậy giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây chính là cơ sở quan trọng để Nghệ An cũng như các địa phương khác đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với hệ thống các ngân hàng lớn của Nhật Bản xây dựng chiến lược đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp Nhật Bản;
Đây được coi là hướng đi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư mà Nghệ An có thể chủ động, tận dụng cơ hội, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Và sự khởi đầu trên lĩnh vực nông nghiệp có thể từ cây gừng.
Có thể bạn quan tâm

Báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất công nghệ cao đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa,...

Thống kê chưa đầy đủ của hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy diện tích lúa bị thiệt hại lên đến trên 10.000 ha. Điều đáng nói diện tích này chưa dùng lại mà có khả năng tăng từng ngày do nắng nóng, trời ít mưa, xâm nhập mặn.

Xã Đạo Đức (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vốn là một xã thuần nông, có điểm xuất phát thấp trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã đã chủ động mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Với các điều kiện thuận lợi từ tự nhiên đến kinh tế - xã hội, TP.HCM đã phát triển nghề nuôi cá cảnh từ hơn 50 năm qua và đây được xem là trung tâm cá cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở TP.HCM vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi...

Người câu được cá sủ vàng ở Quảng Bình là anh Nguyễn Tiến Nhật xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Được biết, con cá sủ vàng nặng 2,8 kg, được thương lái trả đến nửa tỷ đồng, nhưng ngư dân này vẫn chưa đồng ý bán.