Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gỡ nút thắt trong xuất khẩu gạo

Gỡ nút thắt trong xuất khẩu gạo
Ngày đăng: 31/08/2015

Đơn giản cơ chế, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, thúc đẩy tư duy sản xuất hàng hóa… là những giải pháp căn cơ được nhiều chuyên gia khuyến cáo nhằm tháo gỡ khó khăn cho XK gạo của Việt Nam, tiến tới nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo sự phát triển vững bền ngành lúa gạo trong tương lai.

“Tuột dốc” không phanh

Suốt từ đầu năm đến nay, XK gạo đang trong đà sụt giảm cả lượng lẫn giá so với năm trước. Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy: 8 tháng đầu năm, XK gạo ước đạt gần 4,1 triệu tấn và 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm hơn 13% về giá trị so với cùng  kỳ năm 2014.

Giá gạo XK bình quân 7 tháng đầu năm chỉ đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,21% thị phần. Tuy nhiên, XK sang thị trường này cũng thể hiện sự sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm 7,2% về khối lượng và 12,46% về giá trị. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm, giá trị XK gạo sang 3 thị trường Philippines, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) có sự sụt giảm đột biến so với cùng kỳ năm trước. Các mức giảm lần lượt là 38,58%; 36,84% và 34,49%.

Nhìn vào “bức tranh” XK ảm đạm của lúa gạo Việt Nam, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định khó khăn trong XK lúa gạo sẽ còn kéo dài khoảng 1-2 năm tới. XK lúa gạo Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là áp lực cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Ấn  Độ, Lào, Campuchia, Mianmar… Mỗi năm Việt Nam XK khoảng 6-7 triệu tấn gạo nhưng lợi nhuận còn thấp. Giá XK gạo của Việt Nam luôn thấp hơn nước láng giềng Thái Lan.

“Bên cạnh đó, bản thân những khách hàng lớn, quen thuộc của Việt Nam như  Philippines, Indonesia cũng có chiến lược để gia tăng sản xuất nhằm từng bước tự túc nguồn cung. Điều này sẽ khiến thị trường XK ngày càng eo hẹp lại. Ngoài ra, XK gạo Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Sự dễ dãi của thị trường này đang “làm cùn” nông dân Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp bách cần đổi thay để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hàng”, ông Định nói.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Những bất cập của ngành lúa gạo bao năm nay như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng thiếu đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu hay quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc không hề mới mẻ.

Để thực sự “xốc” lại ngành hàng này, TS. Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng mấu chốt vẫn là phải tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội cho các DN thúc đẩy XK. “Cơ chế XK gạo hiện đang bó buộc DN khi yêu cầu các DN muốn XK phải đảm bảo nhiều yếu tố như có năng lực kho chứa lớn, có nhà máy chế biến… Cách làm này vô hình trung khiến cho lợi ích chỉ rơi vào tay các DN lớn, còn các DN quy mô vừa và nhỏ khó tham gia “sân chơi”. Tại Thái Lan, các quy định để DN có thể tham gia XK gạo khá đơn giản. Thậm chí, với DN XK loại gạo đóng gói dưới 12kg/bao, DN muốn XK bao nhiêu cũng được”, TS. Khởi nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình: Hiện nay, XK gạo đã khó khăn mà quy định vẫn yêu cầu DN muốn XK phải có giấy phép là không hợp lý. Đưa ra so sánh nhiều năm trước đây NK giống lúa cũng cần phải có giấy phép, sau khi DN kiến nghị quy định về giấy phép được xóa bỏ nên thị trường giống lúa mới sôi động dần lên, ông Báo cho rằng, kinh tế ngày một hội nhập, chỉ cần DN có nguồn hàng, có đối tác kết nối được là cho phép XK gạo chứ không nên tự trói buộc bằng giấy phép.

Liên quan tới vấn đề làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo, GS. TS Vũ Văn Yết, Phó Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy, cách sản xuất của người nông dân trồng lúa từ lối tự cung tự cấp, có gì bán nấy sang tư duy sản xuất hàng hóa. Cần xác định rõ ràng, phải sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao để ngày càng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Một trong những điểm yếu lớn của XK gạo Việt Nam còn là chưa xây dựng được thương hiệu. Tôi cho rằng việc này cần nhanh chóng khắc phục thông qua việc lựa chọn một số giống lúa tốt của Việt Nam, cải tiến để trở thành mặt hàng mang thương hiệu quốc gia, đồng thời quảng bá rộng rãi cho thương hiệu này”, GS. TS Vũ Văn Yết nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề này, TS. Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết: Hiện nay, Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo đang được hoàn thiện và dự kiến 1 - 2 tháng nữa sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt, sau đó trình lên Chính phủ.

Trong Đề án, một trong những giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy XK lúa gạo bền vững là thu hút DN vào xây dựng vùng chuyên canh trong tổ chức sản xuất; hình thành liên kết lâu dài giữa các hợp tác xã với DN nòng cốt và tạo điều kiện cho các DN này tham gia XK.

Đặc biệt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chuyển từ hình thức tổ chức chỉ tập trung vào DN lớn, nhất là DN Nhà nước sang thu hút các đại diện của địa phương sản xuất lúa, đại diện nông dân và hợp tác xã trực tiếp trồng lúa, đại diện thương lái, đại diện DN tư nhân, DN vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động kinh doanh lúa gạo, đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo công bằng trong hoạt động.

Dự báo 10 năm tới, nhu cầu NK gạo trên thị trường thế giới cũng tiếp tục tăng lên, với mức tăng bình quân 1,5%/năm.

Về XK, 10 năm tới Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm hơn 47% XK gạo thế giới và đóng góp 87% tăng trưởng XK toàn cầu. Ngoài Thái Lan, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ gồm Ấn Độ, Pakistan, Mỹ. Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước XK gạo lớn tại châu Á nhưng khả năng cạnh tranh với Việt Nam chưa rõ ràng.


Có thể bạn quan tâm

Dân Phát Hoảng Trước Nguy Cơ DN Mua Cá Tra Vỡ Nợ Dân Phát Hoảng Trước Nguy Cơ DN Mua Cá Tra Vỡ Nợ

Tuy nhiên, từ hôm đó đến nay nhà máy đã tạm ngưng hoạt động. Phía Cty cũng không thông báo thời điểm nào trả nợ tiền mua cá. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Cty CBTSSH có nguy cơ vỡ nợ, một số người bán cá hoang mang cùng cực, bởi họ đang bị áp lực nợ tiền vay, tiền lãi ngân hàng, chủ nợ đến tận nhà xiết nợ.

03/09/2013
Ngành Mía Đường Cung Vượt Cầu 100.000 Tấn Ngành Mía Đường Cung Vượt Cầu 100.000 Tấn

Ngày 25-7, đại diện các nhà máy đường trong cả nước tham dự hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2012 - 2013 tại Hậu Giang. So với một số mặt hàng nông sản khác, ngành mía đường có độ ổn định nhiều hơn trong 3 năm qua.

29/07/2013
Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

03/09/2013
Cây Ca Cao Cho Hiệu Quả Thấp Cây Ca Cao Cho Hiệu Quả Thấp

Trước tình trạng vụ việc người trồng ca cao Bến Tre đang đồng loạt chặt bỏ vườn cây của mình, trao đổi với NTNN, TS Hoàng Quốc Tuấn cho rằng chuyện này là tất yếu và đã được cảnh báo từ nhiều năm nay.

05/09/2013
Kiên Giang Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững Kiên Giang Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang phát triển nuôi thủy sản ven biển-đảo bền vững, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cư dân ven biển, hải đảo.

07/06/2013