Gỡ nút thắt cho cây cao su Tây Bắc

Lý do là người dân vẫn chưa được ký hợp đồng ăn chia sản phẩm với công ty./>
Người dân chưa biết diện tích cao su của mình ở đâu
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, tổng diện tích góp đất trồng cao su từ năm 2008 đến nay là hơn 1.000 ha.
Trong đó diện tích được trồng từ năm 2008 tại các xã Hua Thanh, Thanh Nưa và Mường Pồn dự kiến sẽ được đưa vào thu hoạch trong năm 2016.
Hiện nay, hầu hết người dân đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cho đến nay họ vẫn không hề hay biết diện tích cao su của mình nằm ở đâu.
Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên giám sát tình hình phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Đến bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên khi hỏi người dân về cây cao su, họ trả lời “ngây thơ” rằng vườn cao su là của Nhà nước.
Ông Quàng Văn Pênh, Bí thư Chi bộ bản Tâu cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên cấp cho ông nhưng khi chúng tôi bày tỏ muốn được ông dẫn đi thăm vườn cao su nhà mình thì ông Pênh lại lắc đầu không biết.
Ông Pênh cho biết: “Nhà tôi có 3.500 m2 đất trồng cao su cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên.
Từ khi góp đất trồng cao su, chúng tôi chưa hề được biết cụ thể diện tích cao su của mình như thế nào.
Không biết đến khi cao su được thu hoạch, chúng tôi có được hưởng lợi như thỏa thuận không?”.
Được biết, khu vực này đất trồng cao su của người dân được cấp theo nhóm hộ.
Bởi vậy việc chi trả cũng cần thực hiện theo cộng đồng.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Điện Biên đề nghị UBND tỉnh thống nhất, chỉ đạo các nhóm hộ dân phải có một người đại diện để ký hợp đồng ăn chia sản phẩm với công ty.
Không thể ký trên một thửa đất không xác định ranh giới mà lại có đến hơn 10 hộ.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện chi trả theo cả cộng đồng thì cũng cần phải tiến hành rà soát lại việc phân chia diện tích.
Trước đây, diện tích đất trồng cao su được chia theo hộ có kinh tế từ trung bình trở lên được chia bình quân 3.500 m2; còn hộ nghèo được chia bình quân 4.500 m2.
Đây là số liệu năm 2008, nên cần phải rà soát lại hộ nghèo hiện nay để phân chia hợp lý hơn.
Chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập
Đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân góp đất trồng cao su cơ bản đã hoàn thành.
Thế nhưng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng góp đất vẫn còn dang dở.
Đặc biệt là ở huyện Điện Biên, địa bàn đầu tiên được triển khai trồng cao su, việc hỗ trợ góp đất thực hiện rất manh mún.
Thực hiện Quyết định 16/2011/QĐ-UBND, ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2013 huyện Điện Biên chi cho xã Hua Thanh hơn 230 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su.
Thế nhưng xã lại dùng số tiền trên để chi cho công trình phúc lợi, đầu tư làm trên 3.000 m đường dân sinh. Theo hợp đồng, người dân góp đất trồng cao su sẽ được hưởng tỷ lệ 10% sản phẩm mủ sau khai thác, 10% củi, gỗ khi vườn cây hết chu kỳ khai thác mủ.
Công ty CPCS Điện Biên sẽ thực hiện chi trả hỗ trợ góp đất theo diện tích cây cao su đứng, tức là 3.700 ha diện tích cao su theo số liệu của công ty.
Lãnh đạo Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho rằng, một số diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được tỉnh Điện Biên cấp cho người dân với mục đích trồng cao su nhưng người dân lại không trồng.
Cần rà soát lại chính xác để đảm bảo tính công bằng giữa những hộ có đất trồng cao su và những hộ có đất nhưng không trồng cao su.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CPCS Điện Biên, cho biết, thực hiện Quyết định 16 của UBND tỉnh Điện Biên về hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nơi thực hiện, nơi thì không nên người dân không còn mặn mà với việc phát triển cây cao su.
Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với Công ty đều chưa được thực hiện, như: Chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; việc miễn thuế đất, tiền thuê đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội và hỗ trợ chênh lệch giá giống cao su nhập ngoại...
nên công ty chưa được chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cây cao su.
Vướng mắc lớn nhất kéo dài lâu nay là việc thỏa thuận chế độ chi trả giữa doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Điện Biên vẫn theo kiểu “không ai chịu ai”.
Từ đó dẫn đến hợp đồng ăn chia sản phẩm không thể ký kết do mỗi bên soạn thảo theo một kiểu.
Ông Phan Văn Lợi cho rằng, UBND tỉnh Điện Biên cần chủ trì cuộc làm việc chính thức giữa công ty với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong việc phát triển cây cao su trên địa bàn.
Chính quyền tỉnh Điện Biên và các ngành liên quan lại đề nghị Công ty CPCS Điện Biên cần thực hiện chi trả hỗ trợ theo tổng diện tích người dân góp đất, với diện tích thực là hơn 5.000 ha.
Các địa phương cho rằng nếu chỉ chi trả theo diện tích cây cao su đứng sẽ thiệt thòi cho người dân, vì những diện tích này khi trồng cao su, người dân cũng không thể sử dụng vào mục đích gì nữa.
Do vướng mắc trong ăn chia sản phẩm nên dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vẫn ì ạch, thiếu thống nhất giữa doanh nghiệp và địa phương.
Đã hơn một năm, nhưng dự án xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su tại xã Mường Pồn vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc thủ tục giữa Công ty CPCS Điện Biên và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
Lý giải nguyên nhân chậm triển khai giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CPCS Điện Biên cho biết: “Diện tích giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su là hơn 8,5 ha.
Trong dự kiến dự án của chúng tôi, giá đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 4 tỷ đồng?.
Nhưng mới đây, phương án mà Tổ chức phát triển quỹ đất huyện Điện Biên dự kiến lên đến gần 14 tỷ đồng?.
Nếu để đầu tư một nhà máy gần 100 tỷ đồng nữa thì quá tốn kém.
Trong khi ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy đều được tỉnh hỗ trợ.
Phương án này Công ty CPCS Điện Biên khó có thể đầu tư, trong khi giá mủ cao su đang xuống thấp.
Nếu phải đầu tư nhà máy với chi phí cao như vậy, dự định chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án là chuyển nguyên liệu bán cho các tỉnh lận cận”.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...

Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.

Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 thứ 4 xảy ra trên đàn vịt tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A (H5N6) lây sang người.

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 85% chi phí thức ăn, 30% chi phí làm đệm lót sinh học. Qua hơn 2 tháng triển khai mô hình, hiện 53 con heo nuôi tại hộ ông Ngô Kim Sơn trên diện tích chuồng 70m2 đang phát triển tốt. Còn 22 con heo nuôi theo mô hình tại hộ bà Đoàn Thị Kim Khuê đã xuất chuồng với tổng trọng lượng hơn 1,8 tấn heo hơi (bình quân 84kg/con). Với giá bán 48.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 15 triệu đồng.