Gỡ Khó Cho Người Trồng Dược Liệu

Từ nguồn vốn vay 500 triệu đồng theo chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hải Hậu (Nam Định), nhiều hộ ở xã Hải Toàn có thêm điều kiện mở rộng diện tích trồng cây dược liệu.
Trồng “nhân sâm của người nghèo”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Lành (xóm 12) - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu Hải Toàn được thành lập với 28 thành viên, trồng diện tích 120 sào Bắc Bộ (mỗi sào 360m2). Cây đinh lăng được dân gian ví như “nhân sâm của người nghèo”, nay được xem là nhân tố thúc đẩy “nền kinh tế xanh” của địa phương. Dự kiến trong năm 2015, tổ hợp tác sẽ tham gia trồng hơn 200 sào đinh lăng.
Ông Thắng thông tin thêm: Thực hiện công tác ủy thác vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, Hội ND xã đang trực tiếp quản lý 6 chương trình vay vốn thông qua 12 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 12 xóm trên địa bàn. Chương trình tín dụng giải quyết việc làm đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ND.
Mong được vay vốn tới 3 năm
Ông Trần Đăng Khoa
Tôi thấy trồng đinh lăng đơn giản, thu nhập lại cao. Số tiền 25 triệu đồng Ngân hàng CSXH cho vay tuy không nhiều nhưng hết sức ý nghĩa, giúp gia đình tôi có điều kiện mua thêm giống cây, phân bón, mở rộng diện tích trồng đinh lăng.
Là 1 trong 20 hộ vay vốn ưu đãi chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, ông Phạm Hồng Khanh (xóm 12) chia sẻ: “Tôi có 0,7 sào đất trồng đinh lăng. Sau 3 năm trồng cây, vừa qua tôi bán đinh lăng, thu được 38 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng năm tôi thu thêm vài triệu đồng từ việc tỉa lá đinh lăng đem bán”.
Tháng 8.2014, gia đình ông Khanh được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu cho vay 25 triệu đồng. Được tiếp vốn đúng lúc, gia đình ông đã mua thêm giống cây, mạnh dạn chuyển 4 sào vốn cấy lúa sang trồng đinh lăng. Tuy nhiên, thời gian vay chỉ trong 2 năm, trong khi đó phải đến 3 năm, người trồng đinh lăng mới có thể bán sản phẩm, nguồn vốn này chưa phát huy tối đa hiệu quả, giúp nông dân xoay vòng trả vốn. “Chúng tôi mong muốn được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu tăng thời gian cho vay lên 3 năm” - ông Khanh kiến nghị.
Không chỉ gia đình ông Khanh, hầu hết các hộ dân ở xã Hải Toàn đều tận dụng hết đất trống, vườn tạp để trồng đinh lăng. Thấy hiệu quả cao, các hộ dân đều muốn chuyển đổi diện tích đất 2 lúa năng suất thấp sang trồng đinh lăng, nhưng ngặt nỗi lại không có vốn đầu tư. Khó khăn này phần nào được tháo gỡ khi Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu giải ngân 500 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm cho các hộ trồng cây dược liệu.
Tính đến tháng 9.2014, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu là 326.067,4 tỷ đồng. Trong đó, cho vay chương trình giải quyết việc làm là 7.868,7 tỷ đồng, với 219 hộ còn dư nợ” - bà Phạm Thị Tuyết Mai – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu cho biết.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/hoat-dong-hoi/go-kho-cho-nguoi-trong-duoc-lieu-507269.html
Có thể bạn quan tâm

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thẩm định, đồng ý cho thực hiện dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất”, do kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện từ tháng 3-2013 đến 3-2014.

Với diện tích gần 8.000m2 đất lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Song (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nên lợi nhuận mang lại khá cao, đời sống gia đình luôn đủ ăn, khấm khá dần lên.

Trước thông tin tăng giá sữa của nhiều DN sữa hiện nay, nhiều nông dân vùng nguyên liệu sữa Mộc Châu (Sơn La) cho biết, giá sữa thu mua không thay đổi.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Thanh Thảo, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn trở về địa phương gặp không ít khó khăn. Lúc đầu anh phải đi chạy xe khách để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng những dự tính về phát triển kinh tế gia đình luôn thôi thúc nên anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại. Đối tượng anh lựa chọn là ba ba thương phẩm để đón đầu những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tại Đăk Lăk, nơi chiếm giữ 1/3 diện tích cà phê cả nước, tái canh vẫn đang là chuyện của riêng nông dân, trong khi doanh nghiệp, chính quyền còn đứng ngoài cuộc.