Gỡ bí xuất khẩu thịt, trứng

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp bàn về việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức vào chiều 24-9 ở TP HCM.
“Tắc” vì dính… vắc-xin
Theo ông Muneyuki Todaka, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek (Nhật Bản), doanh nghiệp (DN) mong muốn xuất khẩu gà thịt đi Nhật nhưng chưa được vì Việt Nam vẫn còn cúm gia cầm, áp dụng tiêm vắc-xin. Do vậy, rất khó trong việc xuất khẩu gà tươi.
Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bel Gà, ông Nguyễn Minh Khanh, cho biết công ty mẹ (ở Bỉ) đã xuất khẩu trứng ấp sang nhiều nước trên thế giới trong khi công ty tại Việt Nam chỉ mới bán được ở thị trường nội địa và xuất sang Campuchia vì 2 thị trường đang hướng đến là Myanmar và Indonesia không chấp nhận gà bố mẹ tiêm vắc-xin. Indonesia là nước
Hồi giáo, dân số đông, không ăn thịt heo nên nhu cầu về thịt gà rất lớn, còn Myanmar giá gà đang ở mức cao so với Việt Nam. “Việc tiêm vắc-xin nhằm tạo kháng thể cho gia cầm khi tiếp xúc với virus cúm nhưng hầu hết các thị trường trên thế giới không chấp nhận”- ông Khanh nói.
Cũng vì lý do này mà trong kế hoạch 5 năm tới, “đại gia” chăn nuôi gà công nghiệp là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chỉ đưa ra kế hoạch xuất khẩu thịt heo, chưa tính đến chuyện xuất khẩu gà thịt.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, chia sẻ thực tế các DN gặp khó rất nhiều nhưng vì nhiều lý do “nhạy cảm”, “tế nhị” nên không trình bày trực tiếp mà gửi gắm hiệp hội lên tiếng giúp. Theo ông, cần có nhiều cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Lãng phí
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, nêu thực trạng hiện nay, các DN nội còn yếu trên thương trường, không “đấu lại” các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, cơ quan nhà nước cần tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để giúp DN.
“Phần ức gà trong nước không chuộng nhưng nước ngoài rất thích. Thời gian qua với sức ép của thịt gà nhập, các DN bị tồn thịt ức rất nhiều nhưng không biết bán cho ai. Giá bán phi-lê gà (lóc từ thịt ức) chỉ khoảng 35.000 đồng/kg trong khi ở nước ngoài đây là phần thịt cao cấp nhất, chỉ cần bán phần này đã đủ thu hồi vốn nguyên con gà” - ông Long phân tích.
Ông Nguyễn Minh Khanh đề nghị các lãnh đạo ngành nông nghiệp khi sang công tác nước ngoài cũng nên tranh thủ quảng bá sản phẩm, như bộ trưởng nông nghiệp các nước Nga, Pháp, Ba Lan mỗi lần sang Việt Nam đều có chương trình giới thiệu sản phẩm cho các nhà xuất khẩu của họ.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, nhiều DN chưa xuất khẩu là do bán trong nước giá tốt hơn. Đối với gà thịt, ông ủng hộ việc xuất khẩu phần ức trước tiên vì có lợi thế cạnh tranh hơn xuất khẩu nguyên con.
Trước vướng mắc của các DN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết sẽ thành lập tổ công tác đến làm việc với từng DN để tháo gỡ khó khăn ngay trong tháng 10 tới.
Thứ trưởng nêu rõ quan điểm sẽ tạo điều kiện tối đa cho các DN, kể cả đưa ra các quy định “đặc cách”, “đặc thù” để DN thuận lợi trong xuất khẩu.
10 tỉ đồng kiện Mỹ bán phá giá
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết vừa có chuyến công tác sang Mỹ để tìm hiểu về ngành chăn nuôi gà ở đây, thu thập thông tin cho vụ kiện các DN Mỹ bán phá giá gà thịt và quyết tâm theo đuổi vụ kiện.
Hiệp hội đã lên dự toán chi phí vụ kiện là 10 tỉ đồng và phân bổ chi tiết cho các đơn vị chăn nuôi trong nước đóng góp (bao gồm DN FDI, DN nội và chủ các trang trại lớn).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu quan điểm ủng hộ các DN chăn nuôi theo đuổi vụ kiện và cho biết thêm gà Brazil hiện có giá bán còn thấp hơn gà Mỹ.
Có thể bạn quan tâm

Hàng chục hộ dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm vừa hoàn tất vụ thu hoạch. Kết quả mang lại khả quan với 1 ha trong mô hình, thời gian nuôi 6 tháng, các hộ thu được hơn 1.800 kg tôm càng xanh thương phẩm, trị giá gần 400 triệu đồng.

Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có địa hình khá đa dạng, vừa có đặc trưng của đồng bằng châu thổ, vừa có đặc trưng của vùng bán sơn địa với núi, sông, bãi, hồ, hang động.

Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân.

Hiện tượng nghêu chết đang xảy ra cục bộ tại các hợp tác xã (HTX) nghêu thuộc địa bàn 3 huyện ven biển, mà chưa rõ nguyên do.

Nicki Holmyard - Biên tập viên của SeafoodSource (website về thủy sản) đã có bài viết về cá tra Việt Nam sau chuyến thăm và khảo sát tình hình thực tế Việt Nam do Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) tổ chức để xem xét ngành cá tra đã thay đổi như thế nào thông qua việc tham gia chương trình ASC.