Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giúp Người Chăn Nuôi Vượt Khó

Giúp Người Chăn Nuôi Vượt Khó
Ngày đăng: 10/08/2013

Giá lợn thịt, gà thịt chìm dài trong tình trạng giá bán thấp hơn giá thành sản phẩm khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Cùng với đó, xuất hiện việc các thương lái thu gom lợn mỡ, trọng lượng hơn 1 tạ tại các trang trại, gia trại xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thực tế này khiến nhiều người chăn nuôi lo ngại.

Giá bán thấp hơn giá thành

Ông Bùi Văn Khần, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tú Sơn (Kiến Thụy) cho biết: “Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng, cao nhất ở các trại khoảng 40-41 nghìn đồng/kg, còn trong dân giá lợn chỉ 36-38 nghìn đồng/kg. Trong khi, giá hòa vốn phải là 45-46 nghìn đồng/kg thịt hơi. Như vậy hơn 1 năm qua, người nuôi lợn “chìm” dài trong cơn giá thấp. Người nuôi chỉ có chút lãi trong tháng Tết, khi giá lợn lên 47-48 nghìn đồng/kg, còn lại là hòa vốn hoặc cầm chắc phần lỗ”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp- PTNT), thời gian gần đây, giá bán các loại thịt lợn, thịt gia cầm đều đồng loạt giảm mạnh dưới mức giá thành, làm cho người chăn nuôi thua lỗ. Hiện thịt lợn siêu nạc xuất bán tại trại chỉ từ 40- 41 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất 40 đến 46 nghìn đồng/kg (tùy theo công nghệ chăn nuôi), trung bình mỗi kg lỗ sáu nghìn đồng. Gà công nghiệp giá khoảng 25- 26 nghìn đồng/kg; trong khi giá thành 32 nghìn đồng, như vậy mỗi kg lỗ trung bình 6 đến 8 nghìn đồng.

Do giá thấp, nhiều hộ chăn nuôi giảm mạnh quy mô đàn nuôi hoặc bỏ trống chuồng. Trong 7 tháng đầu năm, tổng đàn lợn giảm 1%, tổng đàn gia cầm của thành phố giảm 5,75% so với cùng kỳ năm trước. Song, các sản phẩm chăn nuôi vẫn dư thừa, không tiêu thụ được do sức mua thấp, dẫn đến cung vượt cầu.

Một đầu mối thu mua lợn thịt ở xã Tú Sơn (Kiến Thụy) phản ánh hiện những mối thu gom lợn thịt ở khu vực Hải Phòng đang tranh thủ sản phẩm chăn nuôi ứ đọng, giá thấp, thu mua lợn to, có tỷ lệ mỡ cao (lợn trọng lượng hơn 1 tạ/ con) để xuất ra khu vực cửa khẩu Móng Cái do phía Trung Quốc đang cần với số lượng lớn.

Với chênh lệch giá thịt lợn hơi ở Hải Phòng và khu vực phía Bắc so với cửa khẩu vào khoảng 10.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí: thuê xe, xăng, phí kiểm dịch, cầu đường…, chủ hàng còn bỏ túi vài ba ngàn đồng mỗi ký. Nhưng nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Tú Sơn và nhiều vùng trọng điểm chăn nuôi của thành phố lại lo rằng nếu phía Trung Quốc không thu mua lợn tạ nữa, chắc chắn giá lợn hơi sẽ giảm mạnh hơn.

Không ít hộ chăn nuôi lo ngại rằng thương lái Trung Quốc mua lợn mỡ một thời gian nhằm tạo cầu ảo, khiến người chăn nuôi chuyển qua nuôi lợn mỡ rồi bất ngờ ngưng mua. Loại lợn to này thị trường Việt Nam khó tiêu thụ, sẽ lại tồn đọng sản phẩm với số lượng lớn.

Gỡ khó cho người chăn nuôi

Anh Vũ Xuân Kim, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) cho biết, mong mỏi lớn nhất của các chủ trang trại chăn nuôi hiện nay là có vốn để cố cầm cự, duy trì đàn lợn, chờ thị trường cải thiện. Các trang trại, gia trại mong được tiếp tục vay vốn tín dụng trung và dài hạn để duy trì sản xuất.

Nhận định về nguy cơ thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong thời gian tới, ông Bùi Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp điều tiết sản xuất, thị trường và hỗ trợ vốn vay cho người chăn nuôi. Sở Nông nghiệp- PTNT đang đề nghị thành phố cho phép khi người chăn nuôi giảm quy mô trang trại cũng được hưởng hỗ trợ vốn vay ưu đãi của thành phố theo Nghị quyết 14 HĐND thành phố.

Theo hướng đó, các gia trại sản xuất hiệu quả, đáp ứng về tiêu chí bảo vệ môi trường có khả năng được vay vốn ưu đãi lãi suất để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, duy trì quy mô đàn tối thiểu. Hy vọng khi có thị trường sẽ có đủ cơ số thực phẩm tung ra, thu hồi vốn, bù lại lỗ trong thời gian qua.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp phối hợp các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần duy trì quy mô sản xuất nhất định, chứ không nên bỏ cuộc trong thời điểm này. Bà con trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, cần tìm mọi cách giảm mức thấp nhất chi phí đầu vào để hạ giá thành. Ví dụ, sử dụng tiết kiệm hoặc tự phối trộn thức ăn; thay vì sử dụng thức ăn hỗn hợp, người chăn nuôi nên chuyển sang hình thức chăn nuôi hữu cơ, cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn từ nguyên liệu giá rẻ như thóc, gạo, thức ăn dư thừa. Sở cũng sẽ xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, giảm chi phí, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện Sở Nông nghiệp đang tích cực triển khai việc tái cơ cấu, tổ chức ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm làm sao để người chăn nuôi tiếp cận gần nhất với người tiêu dùng; vận động các trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi vào hợp tác xã, liên kết lại để mua được thức ăn rẻ, bớt đi những đầu mối thu mua nhỏ lẻ và tránh bị tư thương ép giá, hay tình trạng thương lái nước ngoài tạo nhu cầu ảo, thị trường ảo như hiện nay. Sở Nông nghiệp- PTNT cần ợp với Sở Công thương và các địa phương nghiên cứu, có những giải pháp kịp thời khai thông thị trường, kích cầu tiêu dùng thực phẩm, giảm chi phí qua các khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ…

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Để tránh bị thiệt hại do thị trường chăn nuôi bất ổn, bà con nông dân nên chú ý phát triển liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Các địa phương nên ưu tiên phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín tù khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng ứng trước vốn, vật tư với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Việc liên kết này sẽ giúp giảm được các khâu trung gian, sản phẩm được bán đúng giá hơn. (Nguyễn Văn Hùng - Chi cục Phó Chi cục Thú y Hải Phòng)

Chủ động liên kết thành hợp tác xã chăn nuôi: Trong hoàn cảnh chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như hiện nay, một số vùng chăn nuôi lớn của thành phố ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia công cho các công ty lớn như Công ty CP Group, Công ty DABACO, Công ty Japa…Riêng các trang trại chăn nuôi lợn ở Tú Sơn vẫn kiên trì mô hình chăn nuôi tự chủ. Các chủ trang trại chăn nuôi chủ động liên kết thành một HTX chăn nuôi an toàn.

Các xã viên đăng ký số lượng mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất khử trùng tiêu độc với HTX. Sau đó, HTX liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có uy tín để lấy với số lượng lớn. Nhờ vậy, giá thức ăn chăn nuôi được giảm giá thành 30%, giá thuốc thú y giảm 50% so với mua lẻ. (Đồng Văn Duyệt - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi an toàn Tú Sơn Kiến Thụy)

Bắt đầu bằng sự khác biệt: Giảm rủi ro trong quá trình chăn nuôi và tạo được thu nhập cao, ổn định, không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chăn nuôi và tạo sự khác biệt. Từ kinh nghiệm thực tế tôi thấy, thay vì nuôi các giống lợn truyền thống, người chưn nuôi có thể đưa các con giống lai ¾ và 7/8 máu ngoại để nâng tầm vóc đàn lợn. Những sản phẩm lợn lai này hiện cũng được thị trường ưa chuộng và giá bán cao gấp 1,5- 2 lần giống lợn truyền thống.

Ngoài đổi mới về con giống, trong quá trình chăn nuôi, tôi chú ý vấn đề chất lượng thức ăn chăn nuôi và chú ý có sổ ghi chép trong quá trình chăn nuôi, phối giống cho lợn, quá trình tiêm vắc- xin để rút ra kinh nghiệm, quy trình chuẩn riêng có của trại mình… (Nguyễn Văn Học - Chủ trang trại Tiên Minh, Tiên Lãng)


Có thể bạn quan tâm

Một Mô Hình Kinh Tế Vườn Hiệu Quả Một Mô Hình Kinh Tế Vườn Hiệu Quả

Anh Đàm Đức Thuận, thôn Ngòi Xanh 2, xã Phú Lâm (Yên Sơn) trước đây có hơn 1,2 ha đất chân ruộng cao cấy lúa và trồng cây rau màu nhưng không hiệu quả kinh tế. Năm 2002, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa 100 cây bưởi diễn và 50 cây cam đường về trồng thử.

27/07/2013
Hiệu Quả Chăn Nuôi Vỗ Béo Bò Ở Lao Bảo Hiệu Quả Chăn Nuôi Vỗ Béo Bò Ở Lao Bảo

Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.

27/07/2013
Trồng Nấm Rơm Trên Bông Thải Thay Thế Rơm Rạ Ở Thiện Nghiệp (Bình Thuận) Trồng Nấm Rơm Trên Bông Thải Thay Thế Rơm Rạ Ở Thiện Nghiệp (Bình Thuận)

Anh Phan Văn Thảo ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những người đi đầu trong việc trồng thử nghiệm mô hình nấm rơm trên bông thải. Bước đầu cho thấy sự khả quan, có thể mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.

07/12/2012
Khi Nông Dân Vay Vốn... Khi Nông Dân Vay Vốn...

Dù nguồn vốn không lớn nhưng Quỹ hỗ trợ nông dân được xem như “bà đỡ” góp phần tạo điều kiện để nhiều nông dân huyện Phú Ninh chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả.

28/07/2013
Nuôi Rắn Hổ Hèo Giúp Nông Dân Tăng Thu Nhập Ở Thoại Giang (An Giang) Nuôi Rắn Hổ Hèo Giúp Nông Dân Tăng Thu Nhập Ở Thoại Giang (An Giang)

Chủ tịch UBND xã Thoại Giang (Thoại Sơn - An Giang) Đinh Văn Hiền cho biết, từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, 30 hộ nghèo của xã được hỗ trợ 120 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo. Với chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, mô hình này đem lại nguồn lợi nhuận khá lý tưởng cho các hộ nuôi.

11/12/2012