Giữ Đúng Lịch Thời Vụ Đông Xuân

Mấy năm trước, vào thời điểm này người trồng lúa ĐBSCL chuẩn bị bắt tay xuống giống vụ đông xuân, thậm chí nhiều nơi đã xuống giống vì nước đã rút. Nhưng năm nay, do lũ cao, việc xuống giống đầu vụ đông xuân sẽ ra sao?
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu đang xuống chậm. Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu tiếp tục xuống chậm, khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ít biến đổi trong vài ngày nữa sau đó cũng xuống chậm.
Dự báo đến ngày 21/10, mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền ở mức 4,6 m (trên báo động III 0,1 m), tại Châu Đốc trên sông Hậu ở mức 4,1 m (trên báo động III 0,1 m), tại Mộc Hóa trên sông Vàm Cỏ Tây ở mức 2,7 m (trên báo động III 0,3 m). Vào cuối tháng 10, vùng hạ lưu sẽ xuất hiện đợt triều cường mới với đỉnh triều ở mức rất cao, có khả năng vượt mức báo động III, do vậy mực nước đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu vẫn còn duy trì trên mức báo động III đến đầu tháng 11/2011. Tình trạng ngập sâu sẽ còn kéo dài ở khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Theo một cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngoài nguyên nhân triều cường, việc khoảng 600 ngàn ha đã được làm đê bao cũng khiến cho khoảng 3 tỷ m3 nước bị dồn vào các con sông, nên lũ trên các sông xuống chậm và duy trì ở mức trên báo động III tới đầu tháng 11.
Trong khi đó, theo lịch thời vụ của mấy năm gần đây, vào tháng 11, nông dân ĐBSCL đã bắt đầu xuống giống lúa đông xuân chính vụ trên diện tích lớn. PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết trong tháng 11 năm ngoái, nông dân đã xuống giống trên diện tích khoảng 600 ngàn ha. Việc xuống giống đúng lịch thời vụ như trên sẽ làm giảm thiểu diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi khô hạn cuối vụ, tránh ảnh hưởng tới vụ hè thu.
Bởi thế, dù nước lũ được dự báo là tiếp tục duy trì ở mức độ cao cho tới đầu tháng 11, Bộ NN-PTNT vẫn giữ vững chủ trương xuống giống lúa đông xuân đợt 1 trong tháng 11. Ông Phạm Văn Dư nhấn mạnh: “Nếu chúng ta e ngại nước còn lớn mà không triển khai xuống giống lúa đông xuân trong tháng 11, thì thời gian xuống giống sẽ bị đẩy lùi lại, gây ra những ảnh hưởng xấu như nhiều diện tích lúa bị khô hạn, xâm nhập mặn cuối vụ. Rồi vụ hè thu cũng sẽ bị lùi thời gian xuống giống, qua đó gặp nhiều bất lợi về mưa, lũ. Do đó, các tỉnh ĐBSCL vẫn phải chuẩn bị các phương án xuống giống đợt 1 trong tháng 11”.
Các tỉnh, TP ở ĐBSCL cũng đồng quan điểm phải giữ vững lịch thời vụ. Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết chủ trương của tỉnh trong những năm qua là xuống giống đồng bộ từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 (một số huyện bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 11). Năm nay, dù lũ vẫn đang ở mức cao, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch xuống giống như vậy.
Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt đề nghị các phương ở ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến con nước cuối tháng 10, đầu tháng 11 để có kế hoạch hỗ trợ bơm tát, giúp nông dân xuống giống đúng theo lịch thời vụ.
Ông Đoàn Trí Vững, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho hay, tỉnh đã lên kế hoạch xuống giống lúa đông xuân sớm, thời gian dự kiến từ 20-30/10, tại các huyện, thị xã phía Nam đã thu hoạch xong lúa thu đông như Tháp Mười, Châu Thành, Sa Đéc, Lấp Vò…, với diện tích khoảng vài chục ngàn ha. Thậm chí, có địa phương đã đề nghị tỉnh cho xuống giống sớm hơn, nhưng vì có thông báo triều cường cuối tháng 10, nên tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ con nước này rồi hãy tính chuyện xuống giống.
Như vậy, dù lũ năm nay cao hơn nhiều so với mấy năm trước và đỉnh lũ hãy còn duy trì ở mức cao đến đầu tháng 11, tinh thần chung ở ĐBSCL là vẫn giữ vững lịch xuống giống vụ đông xuân. Tuy nhiên, để kịp xuống giống vào cuối tháng 10 và trong tháng 11, chắc chắn nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL sẽ phải dùng máy bơm để bơm tát nước ra ngoài.
Theo ông Đoàn Ngọc Phả, đến giờ chưa thể tính được diện tích cần phải bơm tát đầu vụ đông xuân ở An Giang là bao nhiêu. Sở NN-PTNT An Giang đang cho cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến con nước hàng ngày để thống kê chính xác diện tích cần bơm tát rồi lập phương án để tỉnh hỗ trợ kinh phí bơm tát cho nông dân một cách kịp thời.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

Nhằm phát huy hiệu quả chương trình trồng rau an toàn, tiến tới quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất, Tiền Giang đầu tư hơn 6 tỉ đồng phát triển vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 550 ha tại 4 huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Trong đó, huyện Châu Thành trồng 300 ha, Chợ Gạo 100 ha, Gò Công Đông 50 ha và thị xã Gò Công 100 ha. Dự án được triển khai từ tháng 6-2013 đến năm 2018.

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Khi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, tác nhân gây bệnh tôm vẫn chưa được xác định, thì ngay tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng, vẫn có những mô hình nuôi tôm rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công này là những bài học kinh nghiệm quý báu, là chỗ dựa của người nuôi tôm thêm vững tin bước vào vụ nuôi 2013.