Giống Lúa Cho Vụ Đông Xuân

Vụ lúa Đông xuân năm nay ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Sóc Trăng, nông dân sẽ đối mặt với những khó khăn về thời tiết và tình trạng xâm nhập mặn. Do đó ngoài áp dụng thật tốt kỹ thuật canh tác, bà con cần chủ động tìm nguồn giống thích hợp có chất lượng để gieo sạ.
Sóc Trăng có lợi thế không chịu nhiều ảnh hưởng của lũ, do đó nông dân trong tỉnh xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn so với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuy nhiên do điều kiện sinh thái nhiều vùng trên địa bàn khác nhau, nên việc chọn giống lúa thích hợp để đạt năng suất cao nhất luôn được nông dân Sóc Trăng quan tâm. Do là vùng ven biển nên Sóc Trăng có nhiều diện tích ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào cuối vụ, vì thế việc bố trí thời vụ sản xuất gắn với sử dụng giống lúa thích hợp là yêu cầu quan trọng đặt ra.
Ông Nguyễn Văn Hiệp Nông dân huyện Trần Đề nói “Trần Đề là địa phương thường xuyên bị mặn xâm ngập nên nông dân chúng tôi luôn chọn các giống lúa có khả năng chịu mặn cao”.
Sóc Trăng cũng còn những vùng sản xuất chịu ảnh hưởng của phèn trong mỗi vụ canh tác. Ngoài việc làm tốt công tác thủy lợi, kỹ thuật làm đất hạn chế hiện tượng xì phèn thì chọn giống lúa chịu được phèn sẽ giúp cho mùa vụ thắng lợi. Vấn đề sản xuất giống lúa cho vùng phèn mặn là ưu tiên của ngành giống Sóc Trăng.
Ngoài vùng khó khăn, Sóc Trăng cũng có nhiều diện tích phù sa ngọt, do đó để phát huy tối đa năng suất lúa việc chọn giống phù hợp với từng vùng đất trũng vùng gò cao là giải pháp quan trọng.
Theo nông dân việc chọn giống lúa sản xuất không chỉ tìm hiểu về đặc tính, tính thích nghi của giống đối với tùng vùng sinh thái, từng mùa vụ, mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Bởi thị trường là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả sản xuất. Ngoài ra các giống lúa đưa vào sản xuất phải chống chịu tốt với dịch hại để giảm chi phí đầu tư.
Mục tiêu của ngành giống lúa Sóc Trăng là đã phối hợp tốt với các viện trường tập trung nghiên cứu, nhân giống, trồng thử nghiệm nhiều giống lúa mới để nông dân có sự lựa chọn trong sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về giống lúa cho nông dân từng vùng sinh thái.
Đồng thời công tác đánh giá tính thích nghi, đặc tính giống được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc hội thảo trong từng vụ canh tác, là cơ sở cho việc tạo giống lúa mới triển vọng, phục vụ kịp thời nhu cầu giống cho sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vụ lúa đông xuân rất quan trọng đối với nông dân Sóc Trăng vì cho năng suất và lợi nhuận cao, do đó việc chủ động chuẩn bị bước vào vụ sản xuất có ý nghĩa quyết định. Trong đó công tác giống luôn gắn liền với việc áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng để có vụ mùa thắng lợi.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con cần tuân thủ tốt lịch xuống giống của ngành chức năng theo phương châm: đồng loạt né rầy, chọn giống có phẩm cấp tốt, giống thích hợp cho từng vùng, nông dân cần làm tốt vệ sinh đồng ruộng, áp dụng triệt để kỹ thuật canh tác “3 giảm 3 tăng”, 1 phải 5 giảm, đưa công nghệ sinh thái và biện pháp phun thuốc “4 đúng” vào áp dụng để giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Vào vụ cá Nam năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện với trữ lượng rất lớn nên đã có 65% tàu cá ra khơi khai thác trên các ngư trường từ tỉnh Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ mô hình trồng bắp thu trái non, lấy phụ phẩm nuôi bò; trồng cỏ voi cặp các bờ kênh, tuyến đê, trên đất trồng lúa… số lượng đàn bò huyện Chợ Mới phát triển đến 22.000 con, đi đầu phong trào nuôi bò của tỉnh. Địa phương đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao.

Từ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh với diện tích 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.

Mấy năm gần đây, phong trào nuôi chim yến trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, giải quyết nguồn lao động lớn cho địa phương.

Trong khi dịch bệnh gia súc, gia cầm vừa mới cơ bản được khống chế, thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản lại đang bùng lên hết sức phức tạp.