Giống Đã Tốt Sao Tôm Vẫn Chết?

Tôm mới xuống đồng chưa lâu đã bị chết trên diện rộng. Nhiều giải pháp được triển khai nhưng chưa mấy hiệu quả; nguyên nhân chính được cho là vẫn từ chất lượng con giống.
Thiệt hại còn lớn
Tại Bạc Liêu, đến hết quý I có hơn 1.510 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó, mức độ thiệt hại trên 70% chiếm hơn 190 ha, dưới 70% khoảng 1.320 ha. Đến nay, người nuôi mới khắc phục được khoảng 540 ha. Tại tỉnh Sóc Trăng, đầu tháng 4 toàn tỉnh có hơn 2.300 ha tôm 1 - 2 tháng tuổi bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó hơn 2.200 ha tôm thẻ chân trắng.
Diện tích tôm thiệt hại nặng tập trung ở thị xã Vĩnh Châu và các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề; ước tính tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tại tỉnh Cà Mau, gần 1.600 ha tôm nuôi công nghiệp, quảng canh, quảng canh cải tiến bị thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính; các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, Cái Nước thiệt hại nhiều nhất.
Ông Tu Thanh Hường, hội viên Hội Nuôi tôm G9 tại Ninh Thuận, cho biết: Có một số công ty cho đẻ tôm giống lứa 1, 2, 3, 4 chất lượng tốt, nhưng từ lứa 5 - 6 thì chất lượng kém, đã bán lại cho các công ty nhỏ hơn, những công ty này đã bán cho người mới nuôi hoặc nuôi nhỏ lẻ. Nhiều người nuôi ham rẻ thường mua phải tôm giống kém chất lượng, khi thả nuôi rất chậm lớn, hoặc chết, gây thiệt hại nặng; giá tôm kém chất lượng chỉ bằng 1/6, 1/7 tôm bình thường.
Là địa phương đi đầu về diện tích nuôi tôm, tỉnh Cà Mau hiện có hơn 780 cơ sở sản xuất tôm giống và gần 200 cơ sở kinh doanh giống, nhưng mỗi năm cũng chỉ có thể cung cấp 8 - 9 tỷ con, đáp ứng khoảng 40% lượng tôm thả nuôi trong tỉnh; còn lại phải nhập từ tỉnh khác. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau thừa nhận, qua nhiều khâu trung gian trong mua bán nên thị trường tôm giống ở đây còn lộn xộn.
Xét nghiệm trước khi thả nuôi
Về vấn đề quản lý chất lượng tôm giống mỗi vụ nuôi mới, ông Dương Tiến Thể cũng khẳng định: So với cùng kỳ năm 2013, mặc dù quy mô thấp hơn song diện tích tôm bị bệnh vẫn xảy ra, chủ yếu là bệnh đốm trắng, nguyên nhân do diễn biến bệnh đốm trắng tại một số tỉnh ĐBSCL vẫn diễn biến phức tạp, người dân tự xử lý là chính, kinh phí phòng chống dịch bệnh tại địa phương rất hạn chế, thời tiết chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn. Do đó, ở những nơi có bệnh lây truyền, người nuôi nên yêu cầu doanh nghiệp làm thí nghiệm, kiểm tra mầm bệnh trước khi mua để thả nuôi.
Bên cạnh đó, hiện nay một số cơ sở tư nhân sản xuất con giống trôi nổi nhưng gắn nhãn mác của doanh nghiệp uy tín, đưa sản phẩm ra thị trường, nhiều người nuôi nhỏ lẻ mua phải, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Mặc dù Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các địa phương kiểm tra con giống kỹ càng nhưng do lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật.
Vì vậy, người nuôi nên liên kết với nhau và tìm đến cơ sở uy tín để nhận được con giống tốt. Tổng cục cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện thanh kiểm tra theo quy định của Thông tư 26, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng tôm giống.
Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cũng cho biết: Mặc dù dịch bệnh trên tôm đã giảm so với những năm trước nhưng thời điểm mỗi vụ nuôi mới, khó tránh khỏi dịch bệnh tuyệt đối. Bên cạnh các yếu tố thời tiết, môi trường, yếu tố khách quan thì vấn đề con giống cũng có tác động nhiều. Để tạo sự hợp tác giữa người nuôi và doanh nghiệp chặt chẽ, hiệu quả, Sở NN&PTNT Cà Mau đã tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi tôm toàn tỉnh. Đây là mô hình mới, Cà Mau là tỉnh đầu tiên triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản khẳng định, công tác quản lý chất lượng tôm giống ở nhiều nơi chưa chặt chẽ. Chính tôm giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sạch bệnh làm lan truyền mầm bệnh khắp nơi, gây thiệt hại lớn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1234 ngày 23 tháng 6 năm 2014, theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh đạt 4.390 ha, đến năm 2020 đạt 7.820 ha và đến năm 2030 đạt 8.300 ha. Sản lượng đến năm 2015 đạt 41.340 tấn, đến năm 2020 đạt 75.750 tấn và đến năm 2030 đạt 80.520 tấn.

Nhằm mục tiêu phát triển thế mạnh các loại hình sản xuất, đặc biệt là kinh tế thủy sản một cách bền vững, huyện Bình Đại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước với diện tích khoảng 1.500 ha.

Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Con tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, với diện tích và sản lượng lớn nhất. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm đã khiến nhiều người nuôi điêu đứng. Nguyên nhân đã được công bố, nhưng khả năng khống chế đến đâu lại vẫn bỏ ngỏ.