Giống Chuối Quý Được Trồng Thử Nghiệm Ở Tiên Yên (Quảng Ninh)

Chuối tiêu hồng được biết đến là giống chuối đặc sản, ngày xưa thường được dùng để cung tiến cho vua chúa. Thời gian vừa qua, giống này đã được Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn, phục tráng và nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
Xác định đây là loại cây trồng mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, mới đây huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã đưa vào thực hiện dự án trồng thử nghiệm giống chuối tiêu hồng tại xã Yên Than...
Giống chuối tiêu hồng bề ngoài không khác chuối tiêu bình thường, nhưng mỗi buồng cho ra tới hơn chục nải, nặng trên dưới 30kg, quả lại thơm ngon, bảo quản được lâu nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt, giống chuối tiêu hồng rất dễ trồng, không kén đất và có năng suất cao.
Ở xã Yên Than, trước đây cũng đã có một số hộ dân tự mua giống và trồng trên diện tích nhỏ lẻ một cách tự phát và thấy cây chuối tiêu hồng là giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, lại chịu được sự khắc nghiệt về thời tiết khí hậu của vùng này.
Tuy nhiên, chưa có một đánh giá mang tính khoa học nào về hiệu quả cũng như quy trình trồng trọt đối với chuối tiêu hồng. Bởi vậy, với sự quan tâm giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, dự án trồng thử nghiệm giống chuối tiêu hồng tại xã Yên Than đã được triển khai thực hiện nhằm chuyển giao cho bà con một quy trình công nghệ trồng chuối tiêu hồng mang lại hiệu quả cao nhất.
Theo chị Vũ Thuý Vàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên (Chủ nhiệm dự án trồng chuối tiêu hồng), cho biết: Thực hiện dự án này có 9 hộ gia đình ở xã Yên Than được nhận tổng số 2.500 cây giống về trồng trên quy mô 1ha. Các hộ dân trồng chuối đã được tập huấn, phổ biến áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng do Viện Nghiên cứu rau quả hướng dẫn.
Với điều kiện tự nhiên của huyện Tiên Yên, đặc biệt là xã Yên Than gần như tương đồng với các tỉnh miền núi phía Bắc nên việc áp dụng quy trình này vào triển khai dự án là rất phù hợp...
Đến nay, sau 1 năm triển khai dự án (từ tháng 6-2012), cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển và mức độ thích ứng của cây chuối tiêu hồng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn. Quy trình kỹ thuật trồng giống chuối tiêu hồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương, có thể làm cơ sở để mở rộng sản xuất vào những năm tiếp theo.
Thăm vườn chuối của gia đình anh Lý Phổ Pẩu (một trong những hộ dân tham gia dự án), anh Pẩu rất phấn khởi vì vườn chuối đang sắp đến ngày thu hoạch của gia đình anh cây nào cũng trổ buồng, có buồng có tới 13 nải, quả rất to và đẹp, hứa hẹn một mùa bội thu. Anh Pẩu nói: “Gia đình tôi nhận 300 cây chuối tiêu hồng giống.
Trong quá trình trồng, chăm sóc chuối, chúng tôi luôn tuân thủ theo đúng quy trình đã được phổ biến. Và thật vui vì không ngờ kết quả lại tốt như thế này! Tôi thấy trồng chuối tiêu hồng nhàn hơn và chắc chắn hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trồng ngô rất nhiều. Bởi vậy, từ thành công này, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng...”.
Được biết, mô hình trồng chuối tiêu hồng sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Tiên Yên nhằm tạo thêm công ăn việc làm, để nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no.
Có thể bạn quan tâm

Ca cao là loại cây trồng mới đang được ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích nông dân phát triển với quy mô hàng hóa do có hiệu quả kinh tế cao nhờ thị trường tiêu thụ còn nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu và không chiếm nhiều diện tích đất của các giống cây truyền thống khác.

Sớm chọn ra hướng đi đúng và với những nỗ lực không ngừng nhiều năm liền của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp…và cả rất nhiều người làm nông, Đà Lạt hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Nông nghiệp xanh” ở vùng đất Nam Tây Nguyên này.

Vụ mùa vừa qua, với 1,2 ha tiêu, anh Hoàng Văn Minh, ở thôn 3, xã Kiến Thành thu về được hơn 3,6 tấn hạt tiêu. Theo tính toán của gia đình anh thì sau khi trừ chi phí đầu tư vẫn còn lãi hơn 300 triệu đồng.

Trong năm 2013, ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn về các loại rau theo hướng an toàn, không chỉ đạt lợi nhuận cao mà còn giúp nông dân tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất.

Sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những người khác, vợ chồng anh Đào Thanh Hùng và chị Trịnh Thị Xuân Hiền ở thôn Tân Tiến, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) đã nuôi thử nghiệm heo rừng.