Giới Gà Lậu Ngủ Đông!

Thời điểm này, khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đang căng sức đối phó với “mùa đổ bộ của gia cầm lậu”. PV Báo NNVN đã thâm nhập các điểm nóng buôn lậu gia cầm nhức nhối nhất từ trước đến nay. Gia cầm lậu vẫn đổ bộ, tuy nhiên đã giảm so với trước đây.
Án binh bất động
Vào vai những ông chủ trại gà ở Bắc Giang lên khu vực biên giới “ăn hàng”, chúng tôi nhờ Đức, một tay buôn bán ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) mai mối để thâm nhập khu vực biên giới ở xã Bảo Lâm và Thụy Hùng (huyện Cao Lộc, nằm bên cạnh Cửa khẩu Hữu Nghị), những nơi mà từ trước đến nay vẫn được xem là “tổng kho gà lậu” ở Lạng Sơn.
Mặc dù, Đức là một tay buôn bán có tiếng, quen mặt biết tên phần lớn các ông chủ gà lậu ở Lạng Sơn nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
M, một chủ gà lậu ở khu vực Khuổi Mươi không hề dè dặt mà nói thẳng: "Cách đây khoảng một hai tháng các ông cần thì đơn giản. Còn thời điểm này rất khó. Tôi cũng đang tiếp nhận nhiều “đơn hàng” của các ông chủ ở Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng gà đang khan lắm.
Bên Lũng Nghịu (Trung Quốc) thì nhiều, nhưng “bọn nó” đang làm chiến dịch nên chưa đưa được hàng về đâu. Hôm trước có mấy thằng đói hàng quá, cho quân sang lấy mấy nghìn gà giống về, bị bắt cả gà, cả xe nên bọn tôi đang phải nằm im chờ hết chiến dịch xem sao đã".
Quả đúng như lời ông chủ M. Chúng tôi đi một vòng quanh Thụy Hùng và Bảo Lâm, vào tận những điểm bình thường tập kết gà lậu nhưng không phát hiện được gì. Các “cửu gà” thất nghiệp túm tụm đánh bài ở các quán hai bên đường từ Cửa khẩu Hữu Nghị đi cột mốc số 23.
Chốt công tác của Trạm biên phòng Bảo Lâm dựng lên từ cuối năm ngoái với mục đích tăng cường đấu tranh với nạn buôn bán gia cầm lậu. Thượng úy Nguyễn Hữu Bình, Phó trạm trưởng Trạm biên phòng Bảo Lâm, phân tích: "Để đối phó với nạn buôn bán gia cầm lậu vừa phải quyết liệt ở cả nội địa lẫn khu vực biên giới vì các đầu nậu bây giờ rất tinh vi".
Theo tìm hiểu, những vụ vận chuyển gia cầm lậu ở Thụy Hùng bị phát hiện và bắt giữ gần nhất cách đây đúng nửa tháng với số lượng lên tới 13.400 con. Khoảng 0h30 ngày 12/7, Công an huyện Cao Lộc trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực đồi Thông Chẳng, thôn Nà Pài, xã Thụy Hùng đã phát hiện các nhóm đối tượng đang lén lút vận chuyển gia cầm lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam, thu giữ 8.350 con vịt giống.
Ngay sau đó khoảng 30 phút, một tổ công tác thuộc Công an huyện Cao Lộc cũng đã thu giữ 5.100 con gà giống tại thôn Nà Pài, xã Thụy Hùng.
Sau hai vụ bắt giữ liên tiếp, các đầu nậu ở Cao Lộc buộc phải án binh bất động. Chúng tôi thử liên hệ thêm một vài ông chủ khá tiếng tăm khác ở Thụy Hùng và Bảo Lâm nhưng các chủ buôn này chỉ nhận hợp tác làm ăn, còn thời hạn giao hàng chưa thể hứa cụ thể.
Một đầu nậu tên Huyên tiết lộ: Đường về của gia cầm lậu ở Cao Lộc hiện đang bị bịt kín, may ra các chủ buôn ở khu vực đường biên hai bên Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) có hàng mà thôi.
7 giờ tối, chúng tôi phóng xe lên khu vực Cửa khẩu Chi Ma. Từ dạo các cơ quan chức năng siết chặt khu vực này thì gần như không có bất cứ thông tin nào về gà Trung Quốc.
Lân la các quán nước hai bên cửa khẩu, những người làm cửu vạn tiết lộ rằng gà lậu chắc chắn vẫn có về vì mấy tay “cửu gà” thỉnh thoảng vẫn nhận hàng của các đầu mối ở Chi Ma để chở ra tập kết ở thị trấn Lộc Bình.
Tiếp tục dò hỏi đội “cửu gà”, chúng tôi làm quen được với Thường, một đầu nậu không lớn lắm. Sau những dò xét, sau một vài cuộc điện thoại Thường khẳng định, cần bao nhiều cũng có nhưng phải đi gặp ông chủ lớn hơn tên là Trung, nhà ở khu tái định cư khá khang trang gần Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma.
Sau khi đặt vấn đề xong xuôi, ông chủ Trung tiết lộ: Toàn bộ gà lậu vào Chi Ma đều được lấy từ Lò Mổ ở Ái Điểm (Trung Quốc), nơi tập trung nhiều trại gà nhất ở bên kia biên giới, giá lại rất rẻ.
Nhưng thời điểm này “đường rất khó thông” do quản lý thị trường, biên phòng đang làm chiến dịch nên dù gà bên kia có rẻ đến mấy thì khi về đến bên này chắc chắn giá cả sẽ đắt, thậm chí gấp đôi gấp ba. Muốn lấy hàng cứ đặt cọc tiền, báo số lượng, bao giờ “thông đường” sẽ cho quân vận chuyển.
Theo ông chủ Trung, gà lậu sau khi gom ở Ái Điểm thì giao cho các "cửu gà" cõng bộ, gánh vào biên giới Việt Nam. Toàn bộ "hàng" được tập kết ở khu vực Co Xa rồi theo đường rừng vận chuyển. Chủ mua hàng có thể nhận ở thị trấn Lộc Bình hoặc TP. Lạng Sơn đều được.
Chúng tôi ngỏ ý đặt hàng khoảng 5 vạn gà giống, ông chủ Trung đồng ý và hẹn đến ngày hôm sau sẽ chốt giá và địa điểm giao dịch, còn bao giờ có thể giao hàng thì chưa thể chắc chắn được.
Gà có về nhưng ít
Không thể tiếp cận khu vực biên giới, chúng tôi tiếp tục điều tra ở địa điểm mà cánh buôn lậu gà thường giao dịch nằm giáp ranh giữa thị trấn Lộc Bình và xã Lộc Thôn (huyện Lộc Bình).
Từ trước đến nay, đây là nơi trung chuyển của tất tần tật các loại gia cầm lậu. Từ gà, vịt, ngan ngỗng đến chim bồ câu... Thắng, một gã đàn ông thường xuyên tổ chức các “phi đội gà bay” đảm nhận hầu hết các vụ vận chuyển từ điểm tập kết này đi TP. Lạng Sơn hoặc xuống Bắc Giang cho biết, dịp này gần như không có khung giờ thông đường.
Bình thường “phi đội” của Thắng có thể vận chuyển vào 2 khung giờ, từ 7-8 giờ tối hoặc từ 0-1 giờ sáng. Tuy nhiên, khi chiến dịch kiểm soát gắt gao của cơ quan chức năng được triển khai, “phi đội gà bay” buộc phải nằm im, chỉ có một vài tay liều lĩnh đánh quả lẻ, chủ yếu cung cấp cho các chủ buôn trên địa bàn.
“Không gì lãi bằng buôn gia cầm lậu, mỗi mùa làm ăn trót lọt có thể thu về tiền tỷ, nhưng mùa chiến dịch này thường xuyên gặp rủi ro. Thằng bạn tôi hôm trước dùng cả xe Camry để chở gà nhưng vẫn bị phát hiện và bắt giữ.
Vì vậy, các ông muốn lấy hàng phải chờ khoảng dăm bảy ngày nữa, hết chiến dịch may ra mới thông đường được. Bây giờ chỉ có một vài mối nhỏ lẻ chạy xe máy đường rừng từ Na Dương đi Chi Lăng thôi, số lượng không đáng kể”, Thắng chia sẻ.
Để kiểm chứng lời của các chủ buôn gà ở Lộc Bình, đêm 25/7, chúng tôi mai phục ở cầu 20 thuộc địa phận xã Lộc Thôn nằm trên trục đường Lộc Bình - Lạng Sơn. Đây được xem là “con đường gia cầm lậu” mà “phi đội gà bay” thường xuyên sử dụng để vận chuyển gia cầm lậu từ biên giới về xuôi.
Tại đây, vẫn có những “chim lợn” cầm điện thoại di động báo cáo tình hình cho các chủ buôn, chứng tỏ vẫn có gia cầm lậu thường trực đổ bộ. Mặc dù vậy, cũng trên trục đường này thỉnh thoảng có một vài chiếc xe tải mà các chủ buôn khẳng định là lực lượng Quản lý thị trường ngụy trang đi tuần nên suốt cả đêm không có xe gia cầm nào dám đi.
Từ tiết lộ của Thắng, chúng tôi tiếp tục ngược lên cung đường Na Dương - Chi Lăng, nơi mà thời gian gần đây một số chủ buôn tổ chức vận chuyển gia cầm lậu từ thị trấn Lộc Bình đi đường rừng qua huyện Chi Lăng, Hữu Lũng để tập kết tại khu vực cầu Lường (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Tuy nhiên, mai phục hết một ngày trời nhưng chỉ có đúng một xe gà chạy cung đường này.
Có thể bạn quan tâm

Cá tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với tỉnh Quảng Ngãi thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại huyện miền núi Sơn Tây. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thực hiện và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân.

Chỉ vào đàn heo sữa 14 con vừa được 32 ngày tuổi, bà Nguyễn Thị Xanh ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết: “Mấy hôm nay thương lái cứ ra vào ngắm heo, rồi hỏi mua với giá 750.000 đồng/con nhưng tôi chưa chịu bán. Tôi tính để thêm một tuần nữa, thế nào nó cũng được trên 800 ngàn đồng/con”.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 làng nghề và ngành nghề sản xuất tập trung, trong đó có 10 làng nghề và ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, chè vằng, tiêu Cùa, rượu Kim Long… đã có thương hiệu thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 6.800 lao động làm việc trong các làng nghề và ngành nghề tập trung mỗi năm tạo ra giá trị sản phẩm hàng trăm tỷ đồng.

Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.

Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.