Giàu nhờ vịt trời

Đến thăm trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Quang Phóng, ở thôn Quảng Uyên, xã Minh Châu (Yên Mỹ - Hưng Yên), chúng tôi được biết anh bắt đầu làm trang trại từ năm 2004. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, hiện tại anh đã sở hữu một trang trại có quy mô hơn 6 ha. Hàng năm, anh đầu tư thả cá, nuôi vịt siêu trứng, gà đẻ. Hiện nay, trang trại của gia đình anh có trên 2 nghìn con gà đẻ, 2 nghìn con vịt đẻ siêu trứng, 4 lò ấp. Mỗi tháng, gia đình anh xuất ra thị trường hơn 5 vạn quả trứng, trên 1,6 vạn gà con. Doanh thu hàng năm từ trang trại của gia đình anh đạt gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 – 300 triệu đồng.
Năm 2013, qua tìm hiểu thấy mô hình nuôi vịt trời cho hiệu quả cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khi đó trên địa bàn tỉnh có ít hộ nuôi, anh Phóng mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi vịt trời.
Ban đầu với 500 con vịt giống, từ kinh nghiệm làm trang trại nhiều năm cùng với học hỏi qua bạn bè, tìm hiểu qua sách, báo chỉ một thời gian ngắn, anh Phóng đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản từ ấp nở, tiêm phòng, chăm sóc đàn vịt trời.
Sau hơn một năm chăn nuôi, gia đình anh đã xuất bán ra thị trường được gần 1.000 con vịt thương phẩm cùng với các sản phẩm khác như: Trứng, vịt giống… trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Anh Phóng chia sẻ: “Nuôi vịt trời không khó, chuồng trại đơn giản; thức ăn cho đàn vịt là những loại dễ kiếm như: Lúa, ngô, cám… Trong quá trình nuôi chỉ cần chú ý khoảng thời gian đầu, sau 20 ngày nở mới cho vịt con xuống nước và ra ngoài để phát triển tự nhiên. Sau khoảng 3,5 - 4 tháng nuôi có thể xuất bán với trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1 - 1,4 kg".
Vịt trời có màu sắc đẹp, xương nhỏ, thịt chắc và thơm ngon vì thế rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Không những vậy, gia đình anh còn ấp vịt con để bán giống với mức giá 30 – 50 nghìn đồng/con.
Còn gia đình anh Hoàng Văn Anh ở thôn Vạn Tường, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) bắt đầu nuôi vịt trời từ năm 2014. Ban đầu, anh Anh cũng nuôi thử 100 con vịt thương phẩm; lợi nhuận cao, anh tiếp tục đầu tư tăng đàn và nuôi cả vịt đẻ. Đến nay, gia đình anh có khoảng 150 con vịt các loại.
Theo anh Anh, nuôi vịt trời không khó, không mất công chăm sóc vì chúng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Thức ăn cũng không cầu kỳ, chủ yếu là cám, ngô, lúa và các loại rau, chuối nên nhiều nông dân có thể phát triển mô hình này.
Nói về kinh nghiệm chăn nuôi đàn vịt, anh Anh cho biết: “Ngoài việc tăng cường các loại vi chất, khoáng chất như sắt, canxi và các chất để tạo xương cho con giống có bộ khung chắc khỏe, thì bí quyết quan trọng để nhân giống đàn vịt là phải đánh dấu từng con vịt bố, mẹ ở đàn nào, dòng nào để khi phối giống với nhau tránh bị cận huyết, suy thoái giống”.
Một con vịt thương phẩm giá bán ra thị trường từ 120 nghìn - 140 nghìn đồng/con; trừ chi phí, mỗi con vịt cho thu lãi khoảng gần 30 nghìn đồng. Đối với vịt đẻ thì nuôi khoảng 4 tháng vịt cho trứng và từ đó vịt đẻ quanh năm. Mỗi quả trứng bán ra với giá 10.000 đồng, trừ chi phí cũng lãi được một nửa.
Hiện nay, giống vịt trời mà các trang trại trên địa bàn tỉnh nuôi chủ yếu là giống vịt đã thuần hóa, được nhân giống bằng cách ấp nở, vì thế dễ nuôi hơn giống vịt trời hoang dã.
Thị trường tiêu thụ vịt trời khá lớn, không chỉ bán chạy ngay tại trong tỉnh mà thương lái các tỉnh khác cũng tìm đến các trang trại đặt mua với số lượng lớn.
Có thể nói, nuôi vịt trời đang mở ra một hướng phát triển mới trong chăn nuôi cho các trang trại trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để nghề nuôi vịt trời có hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần quan tâm phòng, chống dịch bệnh cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.

Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả.

Nhiều năm trước, Trấn Dương là xã nghèo của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vì hầu hết diện tích canh tác đều cấy lúa, năng suất thấp. Từ khi đưa cây ớt về "ngự trị", nhiều hộ nông dân ở đây đã phất lên nhanh.

Những ngày qua, tuy thương lái từ Bình Thuận tấp nập đến tranh nhau mua trái thanh long ruột đỏ với giá ngất ngưởng từ 70-80 ngàn đồng/kg, nhưng người trồng thanh long ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vẫn không có hàng để bán. Nhiều nhà vườn ở đây tính toán, nếu trái thanh long giữ được mức giá như hiện nay, chỉ với 1 hécta, nông dân có thể thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Mặc dù Đà Lạt đã vào vụ thu hoạch khoai tây nhưng một số cơ sở kinh doanh khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt vẫn ồ ạt nhập khoai tây Trung Quốc rồi “tái xuất” ra thị trường (chủ yếu là TPHCM).