Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Nhờ Cây Quế

Giàu Nhờ Cây Quế
Ngày đăng: 15/06/2013

Ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Đó là điều mà anh Nguyễn Văn Vũ, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đúc rút được sau gần 20 năm gắn bó với đồi rừng. Với hơn 20 ha quế, cùng vườn ươm quế giống quy mô 1 triệu cây/ năm, anh Vũ đã trở thành triệu phú từ loại cây trồng này.

Đã có người từng nhận xét anh Nguyễn Văn Vũ là kẻ gàn dở, bởi năm 1995, khi đang là chủ một của hàng sửa chữa xe máy rất đông khách tại thị trấn Chợ Chu, anh bỏ tất cả để lên núi trồng rừng. Với số tiền gần 60 triệu đồng (khi ấy có thể mua được cả chục cây vàng) mà 2 vợ chồng dành dụm được, anh đã đầu tư mua đất trồng mới 11,6 ha keo xen lẫn mỡ và mua lại gần 10ha bạch đàn ở khu vực đèo So thuộc xóm Đăng Mò, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Năm 1997, anh mua thêm 12 ha rừng quế tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Lý giải về hành động được cho là “gàn, dở” đó, anh Vũ tâm sự: “Làm nghề sửa xe máy có thu nhập khá nhưng không ổn định, nghỉ làm là hết tiền. Đầu tư cho rừng là một cách tích lũy tốt, vừa hiệu quả lại lâu dài”. Vậy là từ năm 1996 đến năm 2000, anh Vũ làm lán ở luôn trong rừng để tiện cho việc chăm sóc và cuốc đất trồng rừng. Mọi công việc ở cửa hàng được giao cho vợ là chị Bùi Thị Hoa. Năm 2000, gia đình anh đã có hơn 50ha rừng trồng, gồm 35 ha rừng keo lẫn mỡ, 15ha quế.

Từ năm 2005, rừng của anh bắt đầu cho khai thác từng phần, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe máy. Khai thác đến đâu, anh trồng lại ngay đến đó, từng bước thay thế diện tích mỡ bằng keo lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, năm 2010 anh Vũ đã thành lập công ty TNHH Vũ Hoa do anh làm giám đốc với ngành nghề kinh doanh là trồng và chế biến lâm sản.

Năm 2011, anh Vũ bắt đầu khai thác diện tích quế và bất ngờ trước giá trị kinh tế rất cao của cây trồng này. 4 ha quế mới chỉ tỉa những cây to đã bán được hơn 250 triệu đồng. Anh giải thích: Trước đây, cây quế chỉ khai thác lấy vỏ thì nay cả cành, thân, lá đều có thể tận dụng để chế biến tinh dầu. Tất cả mang cân, bán với giá khoảng 2.500 đồng/kg khô”. Ý tưởng mở rộng diện tích trồng quế, gắn với chế biến tinh dầu và tiêu thụ sản phẩm được hình thành từ đó. Anh Vũ tìm đến vùng quế Đại Sơn nổi tiếng ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái học hỏi kinh nghiệm.

Để đánh giá chất lượng, anh còn mang 100 kg cành và lá quế đã phơi khô ở Định Hóa quê mình để chế biến thử. Kết quả, tỷ lệ tinh dầu của quế Định Hóa đạt 81% (chỉ thấp hơn 5% so với Yên Bái). Giám đốc cơ sở nấu tinh dầu quế Đông Cuông, thuộc thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên và Chủ tịch Hiệp hội quế tỉnh Yên Bái đã ký cam kết sẽ bao tiêu nguyên liệu, cũng như sản phẩm tinh dầu quế của anh.

Có kỹ thuật, đầu năm 2012, anh Vũ đầu tư mua máy chế biến tinh dầu quế thủ công với giá 110 triệu đồng. Anh tính toán: Một tấn nguyên liệu quế khô (gồm cả vỏ, cành, lá) sau khi chế biến sẽ cho khoảng 7,5 kg tinh dầu, giá bán 600 nghìn đồng/kg. Một ha quế trồng theo mật độ 5 nghìn cây, sau 5 năm có thể thu hoạch 100 tấn nguyên liệu khô, giá trị kinh tế sẽ đạt ngưỡng trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây rừng khác.

Ngoài chế biến của gia đình, anh còn thu mua thêm nguyên liệu quế trên địa bàn và các tỉnh Bắc Kạn. Vào thời điểm thu hoạch quế (khoảng tháng 3 và tháng 8), xưởng chế biến tinh dầu của gia đình anh Vũ trên đỉnh đèo So luôn có 5 lao động làm việc thường xuyên. Anh Trần Văn Hội, xóm Đăng Mò, xã Quy kỳ cho biết: “Làm công cho anh Vũ, mỗi ngày được 140 nghìn, công việc lại không vất vả so với làm những việc nhà nông khác”.

Nhận thấy triển vọng giúp người dân thoát nghèo từ cây quế, từ ý tưởng và đề nghị của anh Nguyễn Văn Vũ, cuối năm 2012, HĐND huyện Định Hóa đã thông qua đề án trồng 1.500ha quế nguyên liệu. UBND huyện xây dựng kế hoạch và giao cho phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Ban Quản lý rừng ATK và Công ty TNHH Vũ Hoa do anh Nguyễn Văn Vũ là Giám đốc phối hợp thực hiện. Công ty TNHH Vũ Hoa có trách nhiệm cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, xây dựng nhà máy và thu mua sản phẩm cho người dân. Phục vụ cho Đề án, anh Vũ đã xây dựng một vươn ươm quế giống đạt tiêu chuẩn với quy mô 1 triệu cây giống.

Đến thời điểm này, đã có hơn 60 hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa tham gia Đề án trồng quế với diện tích khoảng trên 100ha. Bản thân anh Vũ cũng đã trồng mới được 13 ha quế và mua thêm một máy ép tinh dầu quế trị giá 150 triệu đồng để mở rộng quy mô xưởng chế biến. Đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa nhận xét: “Không chỉ mạnh dạn và tiên phong trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Vũ còn giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều người. Với quy trình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây quế mà huyện sẽ thực hiện, hy vọng đây sẽ là kế hoạch khả thi, mang lại cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương”.


Có thể bạn quan tâm

Chăn Nuôi Những Tháng Cuối Năm Chưa Thể Lạc Quan Chăn Nuôi Những Tháng Cuối Năm Chưa Thể Lạc Quan

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phải đối mặt với khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người nông dân bị thua lỗ. Bởi vậy, mặc dù Cục Chăn nuôi khẳng định hiện tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định nhưng không ít người vẫn băn khoăn, chưa thể lạc quan về sản xuất từ nay đến cuối năm.

09/07/2013
Béc Phun Tự Chế Giúp Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Vườn Béc Phun Tự Chế Giúp Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Vườn

Anh Lại Trường Vũ (SN 1978) - chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuất thân trong gia đình nông dân. Gia đình anh canh tác hơn 6 công vườn. Do chi phí đầu tư hệ thống tưới tiêu khá lớn, đặc biệt là béc phun, có loại phải tốn hơn 4 triệu đồng cho một công vườn, từ đó anh đã tìm tòi tự chế ra loại béc phun giá thành rất rẻ mà vô cùng tiện ích.

09/07/2013
Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất Nhân Rộng Mô Hình Cấy Lúa Mùa Theo Phương Thức Không Làm Đất

Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, trong đó mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã được khẳng định với nhiều ưu điểm như năng suất tăng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện nay, mô hình này đang được nông dân các địa phương trong huyện áp dụng và nhân rộng qua từng năm.

09/07/2013
Tiếp Tục Đầu Tư Cho Nông Dân Trồng 100 Héc-Ta Đậu Bắp Nhật Tiếp Tục Đầu Tư Cho Nông Dân Trồng 100 Héc-Ta Đậu Bắp Nhật

Sở Công thương tỉnh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa có buổi làm việc với huyện Châu Phú (An Giang) về tình hình cung ứng giống đậu bắp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa Jamine Global GAP và việc xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu.

09/07/2013
Hồi Phục Hơn 19.000 Ha Nhãn Nhiễm Bệnh Chổi Rồng Hồi Phục Hơn 19.000 Ha Nhãn Nhiễm Bệnh Chổi Rồng

Sau thời gian triển khai công tác chống dịch chổi rồng trên nhãn, đến nay có 19.130 ha nhãn ở 7 tỉnh, thành gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang, hồi phục phát triển trở lại sau cắt tỉa và phun thuốc, đạt tỷ lệ 81,4%.

09/07/2013