Giàu lên từ cá bớp lồng bè

Mạnh dạn đầu tư
Đầu năm 2014, học kinh nghiệm nuôi cá bớp lồng ở các tỉnh ven biển phía Nam, anh Nguyễn Kim Đức và Huỳnh Phong (xã Bình Đông) mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng làm bè thả nuôi 1.500 con cá bớp.
Anh Đức cho biết: nhà ở gần biển rất thuận lợi cho việc nuôi thủy hải sản.
Trước đây nuôi nhiều loại cá, nhất là cá mú, cá dìa và tôm.
Từ năm 2014 đến nay nuôi cá bớp là chính.
Con giống được mua tại Khánh Hòa, Phú Yên với giá 25.000 - 30.000 đồng/con, to bằng ngót tay út.
Ban đầu con giống còn nhỏ, anh chỉ thả nuôi ở 2 ô lồng, mỗi lồng khoảng 12 m2.
Sau khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con thì sang lồng với số lượng lồng tăng gấp đôi, gấp ba, bình quân 100 con/1 ô lồng.
Qua 8 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 80%, trọng lượng 5 - 7 kg/con.
Năm 2014, trừ chi phí đầu tư, anh Đức thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Năm 2015, anh đầu tư thêm 2 bè nuôi, mỗi bè 75 m2 và thả nuôi 2.500 con giống.
Hiện nay, lứa cá đầu tiên 1.000 con, nuôi được 6 tháng cho trọng lượng trên 3 kg/con, tỷ lệ sống 70%; 2 lứa còn lại từ 2 đến 3 tháng, cá đạt trọng lượng 0,5 - 1,5 kg/con.
Nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng cho hiệu quả cao
Tháng 4/2015, ở xã Bình Đông có 2 hộ Huỳnh Phong và Phạm Ánh được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng với 1.000 con giống.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn, thuốc phòng bệnh.
Trước khi thả giống, Trung tâm tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật (cách làm lồng, chọn vị trí đặt lồng, chọn giống, quản lý chăm sóc, phòng và trị bệnh) cho các hộ tham gia mô hình và các hộ có nhu cầu phát triển mô hình.
Sau 6 tháng thả nuôi, cá bớp phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 85%, trọng lượng 3 - 3,5 kg/con.
Hiệu quả lan rộng
Ông Phạm Ánh, người tham gia mô hình cho biết: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ cho ông 400 con giống.
Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, cho ăn nên cá nhanh lớn.
Thức ăn cho cá bớp chủ yếu là cá vụn, cá nục, thè be, cá hố nhỏ...
Cá bớp còn nhỏ, thức ăn phải được xay nhuyễn, viên thành viên nhỏ bằng hòn bi.
Khi cá bớp lớn bằng cổ tay, thức ăn không cần xay, chỉ cắt thành miếng nhỏ.
Khi cá đạt trọng lượng trên 2 kg/con có thể ăn nguyên những con cá nục to bằng ngón chân.
Thấy mô hình có nhiều triển vọng, tháng 9 vừa qua ông đã đầu tư lồng bè, mua thêm 500 con cá bớp giống về nuôi.
Theo dự tính của các chủ hộ tham gia mô hình, nuôi 7 - 8 tháng sẽ cho trọng lượng 4 - 5 kg/con.
Với giá bán hiện nay 150.000 - 170.000 đồng/kg, từ mô hình nuôi cá bớp thương phẩm sẽ thu về 250 - 300 triệu đồng.
Anh Phạm Việt, một trong những hộ nuôi cá bớp ở xã Bình Đông cho biết: Nuôi cá bớp cần chi phí đầu tư cao nhưng bù lại là thị trường tiêu thụ ổn định, dễ nuôi, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao hơn cá mú.
Mấy năm trước, gia đình anh nuôi cá mú, nhưng năm 2015 đã đầu tư thêm lồng bè nuôi 1.000 con cá bớp.
Nuôi loại cá này cần chú ý giai đoạn 3 tháng nuôi đầu tiên về khâu cho ăn, chăm sóc để cá không bị bệnh và phân loại cá theo từng kích cỡ để phù hợp lồng nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết: Từ mô hình nuôi cá bớp của anh Đức, anh Phong đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay thôn Sơn Trà đã có 10 hộ gia đình phát triển nghề nuôi cá bớp lồng.
Ngoài ra còn có 2 hộ ở xã Bình Thạnh cũng đến đây nuôi cá bớp.
Để nghề nuôi cá bớp lồng phát triển, thời gian tới, xã Bình Đông sẽ phối hợp các ngành liên quan, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhân dân và tạo điều kiện để họ được vay vốn thực hiện, nhất là các hộ ven biển có điều kiện phát triển mô hình này.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 11/7, tại chợ Nông sản Đà Lạt, Đội Quản lý thị trường số 1 (TP Đà Lạt) đã bất ngờ kiểm tra lô hàng 5 tấn khoai tây Trung Quốc được vận chuyển bằng xe tải từ TP HCM ngược lên Đà Lạt nhập vào kho của bà Nguyễn Thị Dung.

Từ đầu tháng 4 đến nay, cá mú nuôi lồng, bè ở một số địa phương thuộc TX Sông Cầu bị bệnh, làm cá chết ở tỉ lệ cao với triệu chứng lở, loét. Đặc biệt, ở xã Xuân Thịnh, 73 hộ nuôi 377 lồng có 75.400 con cá mú bị chết; nhiều nhất tại thôn Phú Dương, cá mú chết từ 70-100% tổng đàn, loại có kích cở từ 0,4 đến 1kg/con.

Giá chanh tươi tại các chợ hiện chỉ còn khoảng 8.000 đến 20.000 đồng/kg (tùy loại), giảm 6.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước, bằng 1/3 so với tháng 4 và 5 (từ 30.000 - 45.000 đồng/kg). Theo một số tiểu thương, nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi cho chanh phát triển, nguồn cung tăng; đồng thời nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giải khát từ chanh giảm so với đợt nắng nóng cao điểm trước đó.

Khảo sát tại một số vùng trồng rau lớn ở các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Tân Phú (Đồng Nai) cho thấy, từ đầu tháng 4 đến nay, rau ăn lá, ăn quả đều tăng giá khá nhiều. Hiện giá rau ăn quả như: khổ qua, đậu cô-ve bán tại ruộng khoảng 9-10 ngàn đồng/kg, dưa leo từ 6-7 ngàn đồng/kg và bầu, bí 4-6 ngàn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với cuối tháng 3.

Nhiều công ty cung cấp trứng cho thị trường TPHCM và một số tỉnh lân cận cho hay giá trứng trên thị trường đang tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm.