Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giàu Lên Nhờ Nuôi Lợn Rừng

Giàu Lên Nhờ Nuôi Lợn Rừng
Ngày đăng: 15/02/2014

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tận dụng khoảng đất trống trong vườn để xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn rừng. Đây được xem là một nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những người đi đầu trong mô hình này là chị Trần Thị Tâm ở thôn Cây Si, xã Vĩnh Long đã mang lại cho gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm.

Chị Trần Thị Tâm sinh năm 1973, trong gia đình đông chị em nghèo. Học hết THCS chị đi học nghề cắt tóc. Năm 2000 chị lập gia đình, cuộc sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của chồng, tiền cắt tóc, làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ của vợ không thể trang trải đủ cuộc sống cho gia đình.

Năm 2006 chồng chị nghỉ hưu, việc làm không có hai vợ chồng chị quyết định mua 10 con bò cái về nuôi, dần dần phát triển thêm 8 con. Nhưng được 2 năm thấy mô hình chăn nuôi này không hiệu quả, lại lâu cho thu nhập nên chị quyết định bán đàn bò đầu tư vào nuôi lợn thịt, nhưng được một thời gian giá lợn thịt ngày càng xuống thấp. Trước tình hình đó, chị Tâm ngày đêm trăn trở tìm hướng làm ăn để cải thiện cuộc sống cho gia đình.

Tình cờ trong một lần xem chương trình chăn nuôi trên truyền hình chị mới biết đến mô hình nuôi lợn rừng. Nhận thấy cách nuôi lợn rừng đơn giản, vốn đầu tư không cao, công sức chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan, chị bắt tay vào nuôi thử.

Năm 2009, với số vốn bán bò cộng thêm 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng NN-PTNT, chị đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống. Ban đầu chị đích thân ra Hà Tĩnh, vào Đăk Lăk để chọn mua 12 con giống gồm 10 con lợn mẹ, 2 con lợn đực lấy tinh. Bên cạnh đó, chị đã quan tâm tìm hiểu qua sách báo, cất công đi tham quan nhiều mô hình trang trại khác nhau, học hỏi được cách nuôi, chăm sóc lợn rừng. Không có vốn để mua nhiều con giống nên chị Tâm hướng tới việc nhân đàn tại chỗ.

Trong năm đầu đàn lợn sinh được 60 con, chị để lại làm giống. Đến năm thứ 3, chị bắt đầu vừa nuôi lợn rừng bán thịt vừa nhân giống bán ra nhiều nơi. Hiện tại tổng đàn lợn rừng của chị đã có 200 con, trong đó có 30 con nái mẹ mỗi năm cho ra đời trên 400 con lợn con, 100 con lợn rừng nuôi lấy thịt.

Chị Tâm cho biết: “Lợn mẹ cho mỗi năm 2 lứa. Những con nái mới, cho mỗi lứa trung bình 4 - 5 con, lợn mẹ trên 3 năm tuổi, cho trung bình tới 10 con/lứa. Lợn con nuôi được 10 kg thì bán giống với giá trung bình khoảng 300.000 đồng/kg, tương đương khoảng 3 triệu đồng/con lợn con.

Lợn nuôi trên 30 kg bắt đầu bán thịt với giá 200.000 đồng/kg, trung bình mỗi con cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng.” Lợn rừng tại trang trại của chị Tâm đã được khách hàng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng và nhiều người trong tỉnh đến tìm mua, có lúc không đủ nguồn cung .

Theo chị Tâm, lợn rừng là loài động vật hoang dã rất dễ nuôi, việc chăm sóc không khó, ít dịch bệnh. Chuồng nuôi lợn rừng được thiết kế rất đơn giản bằng cách xây cột xi măng hay trồng cột gỗ cao khoảng 1 m trên một khoảng sân trống hình chữ nhật chia thành nhiều ngăn, bao quanh bằng lưới sắt.

Bên trong chuồng được thiết kế mặt bằng xi măng hoặc bằng đất. Nguồn thức ăn cho lợn rừng có thể tận dụng cám từ máy xay xát lúa, từ cỏ trong vườn. Mỗi ngày chị cho lợn ăn 2 bữa, buổi sáng ăn cám trộn với bã hèm rượu, buổi tối chị cho lợn ăn cỏ.

Nhờ nắm rõ cách chăm sóc nên đến nay vợ chồng chị Tâm có thể chủ động trong việc phối giống, chữa bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, mô hình nuôi lợn rừng của chị Tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong tỉnh, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.

Không chỉ vậy, chị Tâm còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng với những người đến mua giống và những hộ gia đình chăn nuôi lợn trong thôn. Ngoài việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng, chị Tâm còn nuôi thêm 250 con gà, 50 con ngan, 50 con vịt, 10 con ngỗng, trồng thêm 1 ha sắn và 5 sào ruộng để nâng cao thu nhập. Thời gian tới gia đình chị sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nhằm kịp thời cung cấp đủ lượng lợn giống và lợn thịt ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.


Có thể bạn quan tâm

Sản Xuất An Toàn Con Đường Đưa Nông Sản Việt Nam Ra Thế Giới Sản Xuất An Toàn Con Đường Đưa Nông Sản Việt Nam Ra Thế Giới

Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.

29/07/2014
Cây Giống Trồng Rừng Chịu Mặn Trên Ruột Bầu Hữu Cơ Nhẹ Cây Giống Trồng Rừng Chịu Mặn Trên Ruột Bầu Hữu Cơ Nhẹ

Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong việc trồng mới và hồi sinh những cánh rừng ngập mặn (RNM). Tuy nhiên, trước những biến đổi của khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, ô nhiễm môi trường... thì việc khôi phục và trồng lại RNM là vô cùng khó khăn, tốn kém.

09/08/2014
Thịt Ngoại Đè Chăn Nuôi Nội Thịt Ngoại Đè Chăn Nuôi Nội

Chị B.T (ngụ ở Q.7, TP.HCM) than phiền, gần đây các siêu thị gần nhà hầu như không bán thịt bò truyền thống nữa mà chỉ có thịt bò Úc. “Thịt bò Úc nhìn đẹp, ngọt và mềm, tuy nhiên giá hơi cao, chỉ thích hợp cho người có thu nhập khá. Người thu nhập thấp như tôi ít có khả năng mua.

29/07/2014
Xử Lý Sầu Riêng Nghịch Vụ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Xử Lý Sầu Riêng Nghịch Vụ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang chuyên canh sầu riêng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân Hàng Văn Phúc (sinh năm 1955), ở ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

09/08/2014
Chợ Mới Tập Trung Chăm Sóc Lúa Mùa Chợ Mới Tập Trung Chăm Sóc Lúa Mùa

Để cây trồng vụ mùa năm 2014 cho năng suất, sản lượng cao, hiện nay nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã và đang tích cực ra đồng làm cỏ, bón thúc và thực hiện các biện pháp chăm sóc khác với quyết tâm giành một vụ mùa mới đầy thắng lợi.

09/08/2014